Trong 2 ngày (20, 21/5), Quốc hội đã nghe Chính phủ trình bày Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và một số dự án luật. Trong đó, các đại biểu đặc biệt chú ý đến việc tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân cả nước đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự án Luật Phòng, chống khủng bố.
 


Về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992: Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng

Theo Trưởng ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đa số ý kiến đóng góp của nhân sĩ, trí thức và nhân dân cả nước nhìn chung đều cho rằng: Điều 1 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã thể hiện rõ những tiêu chí cơ bản của Nhà nước như tên nước, hình thức chính thể, chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, riêng về tên nước, còn có các loại ý kiến khác nhau. Cụ thể: Có ý kiến đề nghị tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị lấy lại tên gọi Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp khẳng định: Tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc Việt Nam dân chủ cộng hòa đều thể hiện rõ chính thể của nước ta là cộng hòa, bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ. Tuy nhiên, việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên CNXH, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ. Hơn nữa, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Do vậy nên giữ nguyên tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Về Điều 2 Dự thảo quy định về bản chất Nhà nước và các nguyên tắc tổ chức, thực hiện quyền lực Nhà nước, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cho rằng, các ý kiến đóng góp về cơ bản đều nhất quán với quan điểm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực của sự phát triển đất nước. Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đề nghị kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1992 tiếp tục quy định “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” nhằm thể hiện bản chất giai cấp của Nhà nước, đồng thời khẳng định nền tảng vững chắc của chính quyền nhân dân, phù hợp với tính chất và nguyên tắc tổ chức của Nhà nước.

Góp ý cho Điều 4 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, về cơ bản, các ý kiến đóng góp ủng hộ việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Đại đa số nhân dân tán thành bổ sung quy định Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Do vậy, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị Quốc hội cho giữ Điều 4 như Dự thảo đã công bố…  

Dự án Luật phòng, chống khủng bố: Có nên thành lập Ban chỉ đạo?

Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống khủng bố, đa số các ý kiến đại biểu đều khẳng định sự cần thiết phải ban hành Luật phòng, chống khủng bố. Xung quanh nội dung dự luật, một số đại biểu có ý kiến về: mức độ nào được coi là khủng bố, có nên thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố, người chỉ huy phòng chống khủng bố?...

Đại biểu Nguyễn Văn Minh (Đoàn Bắc Kạn) tán thành việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia. Mô hình Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố từ Trung ương đến địa phương được thành lập sẽ hoạt động một cách hiệu quả. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đoàn Đồng Nai) lại cho rằng: Không nên thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống khủng bố như trong Dự thảo. Bởi về cơ bản thì khủng bố và tài trợ khủng bố cũng như là tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người và thậm chí là tội phạm chiến tranh, tội phạm chống loài người cũng đều là tội phạm. “Nếu sau này chúng ta dự kiến thành lập Ủy ban Quốc gia về phòng, chống khủng bố thì tôi tưởng tượng thành phần của Ủy ban Quốc gia này cũng không khác mấy với thành phần của Ủy ban Quốc gia phòng, chống tội phạm.”…
 

Nhóm PV

.