(BVPL) - Hiến pháp cần tăng cường, bổ sung công cụ, thiết chế độc lập giúp Quốc hội thực hiện chức năng giám sát mà thực chất là kiểm soát quyền lực.

 

Đại biểu Trần Đình Nhã (Đoàn đại biểu Thừa Thiên - Huế), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội phát biểu tại Hội trường.
Đại biểu Trần Đình Nhã (Đoàn đại biểu Thừa Thiên - Huế), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội phát biểu tại Hội trường.


Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII vừa qua, trong buổi thảo luận tại hội trường về sửa đổi Hiến pháp 1992, đại biểu Trần Đình Nhã (đoàn Thừa Thiên - Huế), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội đề nghị, cần tăng cường, bổ sung công cụ, thiết chế độc lập giúp Quốc hội thực hiện chức năng giám sát, cơ quan thực hiện chức năng này là Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước.

Đại biểu Trần Đình Nhã cho rằng, một trong những điểm sáng được kỳ vọng vào nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI là Đảng ta đã đặc biệt nhấn mạnh nguyên lý quyền lực phải được kiểm soát, phải dùng quyền lực để kiểm soát quyền lực. Đáng tiếc là trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, nguyên lý trên chưa được triển khai mạnh mẽ.

“Xét từ hoạt động thực tiễn, thực hiện chức năng giám sát Quốc hội, tôi thấy, ngay cả Quốc hội chúng ta còn thiếu những chỗ dựa, những công cụ cần thiết, hữu hiệu để thực hiện chức năng giám sát tối cao”, ông Nhã nói.

Theo ông Nhã, để thực hiện chức năng giám sát tối cao theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội chủ yếu dựa vào các hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Song, do tổ chức và hoạt động của Quốc hội nước ta không được hoạt động thường xuyên, đa số đại biểu Quốc hội là đại biểu kiêm nhiệm, không chuyên trách, nên hoạt động và kết quả giám sát tối cao của Quốc hội, nhất là giám sát chuyên đề thời gian qua chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra và chưa đáp ứng với kỳ vọng của nhân dân.

“Để góp phần khắc phục bất cập này, tôi đề nghị Hiến pháp cần tăng cường, bổ sung công cụ, thiết chế độc lập giúp Quốc hội thực hiện chức năng giám sát mà thực chất là kiểm soát quyền lực. Đó là hệ thống cơ quan chuyên trách độc lập do Quốc hội lập ra, báo cáo công tác trước Quốc hội. Hiện nay, các cơ quan này, theo tôi chỉ gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước”, ông Nhã đề nghị.

“Ngoài việc có thể quy định thêm ngay trong Hiến pháp lần này, các thiết chế như: Hội đồng Hiến pháp, cơ quan chống tham nhũng độc lập, tôi đề nghị nhân đây Quốc hội nghiên cứu và sửa quy định của Hiến pháp về Viện kiểm sát nhân dân, trả lại cho Viện kiểm sát nhân dân chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với các cơ quan hành pháp, tư pháp mà Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 đã ghi nhận nhưng đáng tiếc là khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đã bỏ đi cách đây 12 năm”, ông Nhã nhấn mạnh.

Đồng tình với đại biểu Trần Đình Nhã, đại biểu Trần Văn Độ (Đoàn An Giang) cho rằng, nhất trí phương án Viện kiểm sát nhân dân tối cao trực thuộc Quốc hội và với các đơn vị trực thuộc ở địa phương để giám sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

“Tôi không nhất trí với một số đại biểu cho rằng, Viện kiểm sát chỉ kiểm sát văn bản quy phạm pháp luật. Tôi cho rằng, Viện kiểm sát có cả chức năng kiểm sát việc ban hành văn bản và kiểm sát cả hoạt động để kịp thời phát hiện các vi phạm pháp luật. Nhiều cử tri khi tiếp xúc với chúng tôi cho rằng nếu có một cơ quan giám sát việc tuân theo pháp luật của Quốc hội trực thuộc Quốc hội thì có lẽ những vụ việc như Vinashin, Vinalines đã không xảy ra”, ông Độ nhấn mạnh.
 

Đức Thắng (lược ghi)

.