(BVPL) - Thời gian gần đây, lực lượng Hải quan đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc vận chuyển trái phép ngà voi, sừng tê giác với số lượng lớn lên đến hàng trăm kg đa phần có nguồn gốc từ các nước châu Phi. Theo nhận định của các cơ quan chức năng, Việt Nam đang là điểm nóng về buôn lậu mặt hàng này. Tuy nhiên, việc xử lý hành vi buôn lậu ngà voi, sừng tê giác hiện đang gặp rất nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
 


Theo ông Vũ Quốc Hùng, Chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu quốc tế sân bay Nội Bài: Các đối tượng thường thay đổi tuyến đường vận chuyển hàng hóa nhằm đánh lạc hướng cơ quan hải quan trong việc theo dõi trên các chuyến bay trọng điểm. Thông thường các lô hàng này thường được đối tượng vận chuyển từ Nam Phi, Mozambique đi qua các nước Pháp, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore sau đó mới về Việt Nam.

Trên tuyến đường bộ, các đối tượng cất giấu ngà voi, sừng tê trong các bao tải rồi đưa lên các phương tiện vận tải như ô tô khách để qua mặt cơ quan chức năng. Còn trên các đường biển, các đối tượng thường giấu ngà voi, sừng tê giác trong các container được để lẫn với các hàng hóa (như vụ  cho ngà voi, sừng tê giác sau đó cho bột đá vào ép và nhập đá khai là đá nguyên khối ở Đà Nẵng vừa qua…).

Chế tài xử lý?

Theo quy định của pháp luật, chỉ có thể khởi tố hình sự vụ án buôn lậu  khi giá trị hàng hóa tang vật của vụ án từ 100 triệu đồng trở lên. Ngà voi, sừng tê giác là mặt hàng bị nghiêm cấm lưu thông trên thị trường vì mục đích thương mại nên không thể xác định được giá trị của mặt hàng này. Hiện chưa có văn bản nào hướng dẫn  việc định giá tang vật vi phạm là hàng cấm. Chính điều này, cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc khởi tố hình sự đối với các vụ buôn lậu ngà voi và sừng tê giác. Bên cạnh đó, hiện nay việc xử lý ngà voi thu giữ còn nhiều phức tạp, bởi theo Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (Cites) nếu số lượng ngà voi bị thu giữ được xác nhận là không rõ nguồn gốc thì phải tiêu hủy. Còn nếu được xác định nguồn gốc là ngà voi châu Phi, từ các nước không tham gia ký kết công ước này thì có thể mang bán đấu giá.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục hải quan cho rằng: Quy định này đã gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra thu giữ và xử lý. “Vấn đề xử lý tang vật gặp rất nhiều khó khăn do hàng hóa chúng không khai báo, được che đậy tinh vi, trốn tránh sự kiểm soát theo dõi của cơ quan chức năng, nước xuất khẩu và nhập khẩu nên không có căn cứ để trả lại tang vật cho nước xuất khẩu theo quy định tại Điều 8 của Công ước Cites. Việc tiêu hủy tang vật gặp rất nhiều khó khăn, do kinh phí lớn. Trong quá trình xử lý chưa đầy đủ, thời gian xử lý kéo dài, quá trình xử lý luôn được giám sát, theo dõi bởi nhiều tổ chức quốc tế và tổ chức phi Chính phủ”.
 

Trần Thu

.