Vụ án công chức Hải quan TP Hồ Chí Minh Nguyễn Trường Duy nhận hối lộ phong bì tiền tỷ cách đây gần 2 năm từng gây chấn động cả nước. Thế nhưng, đã gần hết thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ liên quan, vụ án vẫn tiềm ẩn nhiều góc khuất.
 
Trong khi lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM liên tục khẳng định đã xử lý đúng pháp luật thì mới đây, Viện KSND Tối cao đã có văn bản chính thức về sự việc, chỉ ra nhiều sai phạm và vấn đề cần được xử lý.
 
Khẳng định lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM có trách nhiệm liên quan
 
Ngày 19/6/2017, Viện KSND Tối cao đã có công văn số 2215/VKSTC-V1 do ông Nguyễn Tố Toàn, Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra an ninh qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, đã cho ý kiến về vụ án Nguyễn Trường Duy phạm tội nhận hối lộ quy định tại điều 279 Bộ Luật Hình sự như sau:
 
Viện KSND Tối cao (Vụ 1) xác định: Nguyễn Trường Duy đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, nhiệm vụ, quyền hạn của Đội Kiểm soát trong việc phối  hợp với các chi cục kiểm tra thực tế hàng hóa của các doanh nghiệp để nhận hối lộ của các cá nhân, doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Sài Gòn Khu vực 1 (Cảng Cát Lái). Hành vi của Nguyễn Trường Duy đã xâm phạm trật tự quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Hải quan, ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành hải quan, gây cản trở hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Vụ án xảy ra có nguyên nhân từ công tác quản lý cán bộ, công tác phối hợp phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại của Đội Kiểm soát với các Chi cục thuộc Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh. 
 
Công văn số 2215/VKSTC-V1 của Viện KSND Tối cao
Công văn số 2215/VKSTC-V1 của Viện KSND Tối cao
 
Về một trong các nguyên nhân dẫn đến sai phạm của Nguyễn Trường Duy, Viện KSND Tối cao xác định: “Trong công tác quản lý cán bộ, đối với công chức Nguyễn Trường Duy, lãnh đạo Tổ kiểm soát 1 đã không làm tốt công tác quản lý cán bộ, công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn từ tháng 9/2014 đến khi bị bắt. Kết quả công tác của Nguyễn Trường Duy không được phản ánh, quản lý theo đúng quy định. Nguyễn Trường Duy lợi dụng quyền hạn được giao, nhận tiền hối lộ của các cá nhân doanh nghiệp nhiều lần với số lượng lớn, xảy ra trong thời gian dài nhưng không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Lãnh đạo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh được phân công, chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo về công tác này đã không có biện pháp quản lý, kiểm tra để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời”.
 
Đối chiếu với nội dung trên cho thấy, Viện KSND Tối cao đã khẳng định, chỉ ra trách nhiệm của lãnh đạo Cục Hải quan TP HCM phụ trách giai đoạn đó chính là ông Đinh Ngọc Thắng, Phó cục trưởng.
 
Kiến nghị Tổng cục trưởng chỉ đạo xử lý nhưng vẫn... im lặng
 
Về giải pháp, kiến nghị, Viện KSND Tối cao kiến nghị: Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan thực hiện 3 nội dung, trong đó có việc: “Chỉ đạo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh có biện pháp tăng cường công tác quản lý cán bộ; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng của Nguyễn Trường Duy với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra nhiều lần, trong thời gian dài nhưng không được ngăn chặn, phát hiện xử lý; có biện pháp xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”.
 
 
Ông Đình Ngọc Thắng từng phụ trách trực tiếp Nguyễn Trường Duy trong một thời gian dài.
Ông Đình Ngọc Thắng từng phụ trách trực tiếp Nguyễn Trường Duy trong một thời gian dài.
 
Theo nội dung trên, có thể thấy rõ Viện KSND tối cao đã kiến nghị Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chỉ đạo làm rõ và xử lý trách nhiệm của  người đứng đầu cấp ủy, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng. Trong những người liên quan trực tiếp, không ai khác chính là ông Đinh Ngọc Thắng, Phó cục trưởng phụ trách đơn vị này. Thế nhưng một điều khó hiểu là đến nay, hơn một tháng đã trôi qua, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan vẫn chưa hề có chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của bất cứ tập thể, cá nhân nào, càng không hề nhắc đến việc phải làm rõ trách nhiệm của ông Đinh Ngọc Thắng. 
 
Theo luật sư Lê Đức Thắng (Hà Nội), công văn số 2215/VKSTC-V1 của Viện KSND Tối cao là văn bản có giá trị pháp lý của cơ quan pháp luật, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phải có trách nhiệm tiếp thu các nội dung để chỉ đạo xử lý nghiêm túc. Nếu như cố tình né tránh không thực hiện, để gây ra hậu quả sai sót, ông Nguyễn Văn Cẩn sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước tổ chức Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính. Việc cần làm hiện nay là ông Nguyễn Văn Cẩn cần sớm có văn bản chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan đến vụ án Nguyễn Trường Duy, trong đó có ông Đinh Ngọc Thắng và sớm có hồi âm cho Viện KSND Tối cao theo quy định của pháp luật. 
 
Cũng theo luật sư Lê Đức Thắng, chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng đã nêu rõ: “Xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý nhưng không chủ động phát hiện, xử lý, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng”. Theo tinh thần đó thì trong vụ án Nguyễn Trường Duy, đã có nhiều dấu hiệu bao che, thiếu chủ động, phát hiện, xử lý; không chỉ với trường hợp ông Đinh Ngọc Thắng mà ngay cả các ông Hoàng Việt Cường (Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phụ trách Cục Hải quan TP HCM), Trần Mã Thông (Cục phó Cục Hải quan TP HCM) và Nguyễn Văn Cẩn (Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan) cũng có trách nhiệm liên quan khi để sự việc kéo dài mà thiếu chủ động, làm rõ và xử lý kịp thời.
 
Theo Quang Minh/phapluatnet.vn
.