Nhiều ý kiến đưa ra nên bỏ quy định cấm bán bia ở vỉa hè, cấm bán bia cho phụ nữ có thai, cho con bú... ra khỏi dự thảo Nghị định về quản lý kinh doanh bia do Bộ Công thương soạn thảo vì... mơ hồ.
 
 
“Bản dự thảo Nghị định này có nhiều quy định mới, rất khó hiểu…”- bà Trịnh Thị Hồng Nga – đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Giao thông Vận tải) mở đầu phần ý kiến của mình. Theo bà Nga, việc quản lý cần hướng tới cải cách hành chính, trên nguyên tắc rõ ràng chứ không phải cứ quản không được thì đưa ra quy định cấm. Làm vậy người dân và doanh nghiệp họ sẽ không phục.
 
“Đơn vị soạn thảo nói việc cấm bán bia cho phụ nữ mang thai, cho con bú… đã được nêu trong quyết định của Thủ tướng, việc giao nhiệm vụ là đúng nhưng nó không đồng nghĩa cứ bê nguyên xi quyết định vào mà không cần biết thực tế ra sao, điều kiện kiểm soát như thế nào. Chẳng lẽ khi đi mua bia cũng phải trình chứng minh thư để nhận diện đủ 18 tuổi”- vị đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Giao thông vận tải) thẳng thắn và đề xuất, trong trường hợp chưa kiểm soát được thì nên bỏ.
 
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Bằng – Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cho rằng, việc quy định cấm bán bia cho phụ nữ có thai, cho con bú vẫn còn mơ hồ, rất khó để kiểm tra họ có cho con bú hay không? không lẽ ... vạch áo lên để kiểm tra?... Vì thế, nên bỏ quy định này trong nội dung Nghị định.
 
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội bia, rượu và nước giải khát Việt Nam (VBA) Nguyễn Văn Việt, khi chưa kiểm soát được và chỉ nên đưa vào cảnh báo, giáo dục ý thức dùng bia, rượu của người dân. Ngoài ra, để tăng tính chặt chẽ của Nghị định, ông Việt kiến nghị đưa thêm quy định cấm lái xe uống bia vượt quá độ cồn cho phép.
 
Tuy nhiên, về phía ban soạn thảo dự thảo Nghị định thì lại cho rằng, việc cấm bán bia cho phụ nữ cho con bú, mang thai… không thể không đưa vào nội dung Nghị định vì đã có trong Quyết định 244 của Thủ tướng Chính phủ và ban soạn thảo chỉ “thể chế hóa” bằng văn bản pháp quy. Chỉ có điều nếu câu chữ trong dự thảo Nghị định chưa phù hợp thì sẽ sửa để rõ ràng hơn.
 
“Việc của Nhà nước là đưa ra quy định cấm, nhưng khả thi hay không là từ phía người dân, người kinh doanh. Lực lượng giám sát cũng không thể 24/24 để bắt quả tang, xử phạt được. Vấn đề là đưa ra lệnh cấm và xử phạt một vài đối tượng để toàn dân nhìn vào đó mà có ý thức đối với chuyện dùng đồ uống có cồn, trong đó có bia” – ông Phan Chí Dũng nêu quan điểm của cơ quan soạn thảo.
 
Bác ý kiến Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nói, “quan điểm của cơ quan quản lý là giảm tải thủ tục hành chính, chứ không phải không quản được thì cấm”. Đối với quy định cấm bán bia ở vỉa hè, người dưới 18 tuổi, phụ nữ mang thai, cho con bú, … ban soạn thảo sẽ tiếp thu và có chọn lọc để đưa vào Nghị định sao cho dễ thực hiện, mang tính thực tiễn cao.
 
Dán nhãn tem tốn ngàn tỷ, doanh nghiệp “lắc đầu”
 
Một điểm tranh cãi nữa trong bản dự thảo Nghị định về quản lý kinh doanh bia cũng được đại diện các doanh nghiệp sản xuất bia “kêu”, đó là quy định về dán tem bia của Bộ Công Thương bởi sẽ ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp.
 
Theo đại diện Phòng Pháp chế Tổng công ty Bia – Rượu – NGK Sài Gòn (Sabeco), thì riêng chi phí mua tem, dán tem, máy móc thiết bị phục vụ việc dán tem… đã “ngốn” của doanh nghiệp khoản tiền không hề nhỏ, chưa kể lực lượng lao động cần tuyển thêm để quản lý hệ thống này.
 
Ông Vũ Xuân Dũng – Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bia – Rượu – NGK Hà Nội (Habeco) tính sơ, nếu giá thành mỗi con tem khoảng 160-170 đồng thì với sản lượng bia cả nước khoảng 3 tỷ lít bia/năm hiện nay thì tiền dành riêng việc mua tem đã tốn 1.600 -1.700 tỷ đồng. Chưa kể, việc dán tem chỉ phù hợp với bia lon, còn với bia chai qua quá trình xúc rửa sẽ rất khó khăn. Và các doanh nghiệp khác nhau, có hệ thống công nghệ khác nhau, nếu bắt buộc quy định phải dán tem bia thì không chừng phải đầu tư lại máy móc mới.
 
Còn phép tính cụ thể mà đại diên Sabeco đưa ra, là một ngày công ty này đưa ra 11 đơn vị sản phẩm, khoảng 3,6 triệu lít, thì mỗi năm tiền dán tem của Sabeco lên tới xấp xỉ 800 tỷ đồng. “Chi phí này vượt quá kế hoạch kinh doanh của công ty. Nếu quản lý không tốt rất có thể sẽ tạo ra thị trường tem giả vì có cầu ắt có cung, hoặc cơ chế xin cho làm khó doanh nghiệp” – đại diên Sabeco băn khoăn.
 
Trước thực tế trên, Thứ trưởng Thoa nêu quan điểm việc dán tem là cần thiết để cơ quan quản lý kiểm soát được số lượng sản xuất của doanh nghiệp, tránh việc doanh nghiệp khai man số lượng để trốn thuế, tăng thu cho ngân sách. Tất nhiên, chi phí cho việc mua tem dán, máy móc thiết bị phục vụ việc dán tem bia… đều do doanh nghiệp chịu. Những điểm chưa phù hợp thì Ban soạn thảo sẽ tiếp thu và có chọn lọc để đưa vào Nghị định sao cho dễ thực hiện, mang tính thực tiễn cao.
 
Tuy thế, ông Vũ Xuân Dũng vẫn cho rằng, “chi phí của doanh nghiệp cũng là chi phí của xã hội, cần nghiên cứu để tránh lãng phí”.
 
 
Theo Infonet