Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai (PCTT), đến trưa 25/9, các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận rà soát phương án sơ tán dân với tổng số gần 214.000 hộ/868.000 người.
Riêng các địa phương trọng tâm dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi đã sẵn sàng phương án sơ tán trên 93.000 hộ/369.000 người.
Tại Bình Thuận, theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, địa phương đã lên kế hoạch sơ tán hơn 4.600 hộ/14.300 người ở những vị trí xung yếu, có nguy cơ sạt lở, xâm thực hoặc vùng trũng thấp,.. trong trường hợp bị ảnh hưởng trực tiếp của bão Noru.
Ba huyện, thị có số lượng hộ dân trong diện sơ tán nhiều nhất là TP Phan Thiết 2.048 hộ/3.899 người, huyện Tuy Phong 926 hộ/3.471 người, thị xã La Gi 764 hộ/3.161 người.
Tại huyện đảo Phú Quý có 219 hộ/ 991 người nằm trong kế hoạch sơ tán.
|
|
Tàu thuyền tránh trú bão tại khu neo đậu cửa sông Quán Trường, Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: NH. |
Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT lưu ý, trong số trên 739 tàu thuyền/7.500 lao động còn hoạt động trên khu vực Bắc và giữa Biển Đông, hệ thống giám sát tàu cá cho thấy cần phải kêu gọi 127 tàu trong vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới.
Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết, dự báo Noru là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ. Không chỉ có gió mạnh, hoàn lưu sau bão có thể có mưa lớn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương cần kích hoạt các kịch bản theo quy định.
Chiều ngày 25/9, chủ trì họp triển khai công tác ứng phó với bão Noru, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý các địa phương trong vùng bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, nhà cửa, công trình kết cấu hạ tầng, an toàn cho hoạt động sản xuất… Chủ động và tích cực triển khai công tác ứng phó với phương châm “bốn tại chỗ”, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, rà soát lại dự trữ, nhất là lương thực, thực phẩm, tránh tình trạng khi bị chia cắt việc cứu hộ, cứu nạn không được thực hiện kịp thời, để dân bị đói.