(BVPL) - Đó là kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tại phiên thảo luận ở hội trường về các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng.
Viện kiểm sát chủ động xử lý các vụ án có dấu hiệu oan sai
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu chia sẻ, “là một đại biểu công tác trong ngành Công an thường xuyên liên quan đến hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, vì vậy tôi rất quan tâm đến 3 lĩnh vực công tác công an, công tác kiểm sát và công tác của Tòa án. Qua theo dõi hoạt động thực tiễn nghiên cứu kỹ các báo cáo của 3 ngành gửi đến cho đại biểu và nghe trực tiếp 3 đồng chí lãnh đạo của 3 ngành trình bày tại hội trường, tôi đồng tình rất cao và nhận thấy rằng, cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm của Tòa án có đạt được yêu cầu ngày càng cao của Đảng, Nhà nước, nhân dân hay không phụ thuộc rất lớn vào mối quan hệ phối hợp của ba ngành này. Do mỗi ngành có một vị trí, vai trò, chức năng và nhiệm vụ khác nhau, đảm bảo từng khâu, từng lĩnh vực khác nhau, nên tư lệnh các ngành đều nói về những ưu điểm, khuyết điểm và những đề xuất của ngành mình mà chưa ai nói lên sự phối hợp của lãnh đạo ba ngành trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Ở góc độ thực tiễn, ĐB Nguyễn Hữu Cầu nhận định, lãnh đạo ba ngành đã có những ưu điểm như: ba ngành: Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân tối cao đã hành động quyết liệt với quyết tâm rất cao để giải quyết công việc của nội bộ ngành mình. Ngành công an đã chỉ đạo, xử lý nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong thời gian rất ngắn được nhân dân đồng tình ủng hộ. Viện kiểm sát chủ động xử lý các vụ án có dấu hiệu oan sai ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố. Điển hình là vụ án cà phê Xin Chào tại TP. Hồ Chí Minh, trong vòng 1 tuần chúng ta đã thừa nhận và giải quyết dứt điểm làm cho dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và hết sức ủng hộ. Tòa án giải quyết rất nhanh các vụ đền bù oan sai, tất cả những đền bù oan sai này hầu như xảy ra từ những năm trước đây, có nhiều vụ 15, 20 năm, bây giờ là giải quyết những hậu quả trước đây thôi.
“Sự phối hợp của ba lực lượng từ Trung ương đến cơ sở đã làm chuyển biến mạnh mẽ hơn, tình trạng “quyền anh, quyền tôi” trong hoạt động tố tụng hình sự được giảm rất rõ nét và hiệu quả phối hợp ngày càng tốt hơn. Các ngành, các cấp Trung ương ngày càng sâu sát hơn với cơ sở, sát hơn với thực tiễn, từng bước hướng dẫn và tháo gỡ nhiều khó khăn cho cơ sở”, ĐB Nguyễn Hữu Cầu nói.
ĐB Nguyễn Hữu Cầu nhận xét, “công tác thống kê hình sự được tốt hơn, tình trạng “vênh” nhau về số liệu được khắc phục một bước cơ bản. Đây là bốn ưu điểm và sự phối hợp của ba ngành từ góc độ cơ sở chúng tôi nhận thấy”.
Sự chuyển biến tốt, tích cực trong hoạt động của các cơ quan tư pháp
ĐB Nguyễn Thái Học (Đoàn Phú Yên) cơ bản tán thành với những nội dung được thể hiện trong các báo cáo trình bày trong phiên họp. Các báo cáo đã nêu rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và biện pháp, giải pháp khắc phục.
Cũng theo ĐB Nguyễn Thái Học, tội phạm trong năm 2016 đã được kiềm chế và kéo giảm với một tỷ lệ cao, theo báo cáo cho thấy, tội phạm giảm 2,79% số vụ và 6,1% số bị can so với năm 2015. Trong nhiều năm qua, đặc biệt năm 2016 tình hình tội phạm đã được kiềm chế và kéo giảm với một tỷ lệ cao nhất. Điều này thể hiện sự quyết liệt và đồng bộ của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng công an là nòng cốt. Điều này cũng không thể phủ nhận sự dũng cảm, sự hy sinh của lực lượng chiến sỹ công an trong quá trình tấn công trấn áp tội phạm để bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.
Có sự chuyển biến tốt, tích cực trong hoạt động của các cơ quan tư pháp. Thực tiễn cho thấy từ công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án ngày càng được nâng cao về chất lượng, nhất là thực hiện yêu cầu chống oan sai và bỏ lọt tội phạm theo nghị quyết của Quốc hội. “Chúng tôi nhận thấy, hoạt động của các cơ quan tư pháp đã thể hiện sự thận trọng, sự chắc chắn và chính xác trong hoạt động của mình” - ĐB Học nhận xét.
ĐB Học cho biết thêm, trong năm 2016, các cơ quan tư pháp đã chú trọng đến công tác quản lý, giáo dục cán bộ. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm cán bộ sai phạm thông qua các vụ án có tiêu cực hoặc thông qua các vụ việc có oan sai thì lãnh đạo các cơ quan tư pháp đã chỉ đạo xử lý nghiêm. Với một tinh thần: người dân vi phạm pháp luật thì áp dụng pháp luật để xử lý. Còn cán bộ, nhất là cán bộ tư pháp am hiểu pháp luật mà vi phạm pháp luật thì càng phải xử lý nghiêm. Điều này người dân rất đồng tình và đánh giá cao.
ĐB Học cũng cho rằng: “Chúng ta yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử nhưng chúng ta cũng phải đáp ứng những yêu cầu tối thiểu nhất như trụ sở làm việc. Hiện nay còn 35 Tòa án cấp huyện phải đi thuê trụ sở làm việc, 23 Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, 2 Viện kiểm sát nhân dân cấp cao cũng phải đi thuê, trong tình trạng như thế thì rất khó khăn. Khi Ủy ban Tư pháp thảo luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu có yêu cầu phải sớm giải quyết. Tôi rất mong Quốc hội và Chính phủ xem xét để có thể đáp ứng tốt nhất và trong thời gian nhanh nhất, khắc phục các trụ sở mà phải đi thuê làm việc.”
Còn ĐB Nguyễn Văn Quyền (Đoàn TP Cần Thơ) đặt câu hỏi, tinh thần cải cách tư pháp để làm sao ba Tòa này là ba Tòa giải quyết được nhiều vấn đề, nếu giải quyết tốt thì giảm tải được những oan sai và TANDTC trên này chỉ giải quyết những vụ án giám đốc thẩm, tái thẩm cực kỳ quan trọng và đặc biệt oan sai. Nếu ba Tòa cấp cao này giải quyết được tốt thì sẽ giải quyết được những oan sai.
ĐB Nguyễn Văn Quyền cũng cho rằng, chúng ta chưa đầu tư đúng mức về cơ sở vật chất, đặc biệt về đội ngũ cán bộ và thẩm phán cho ba Tòa cấp cao này, kể cả ba Viện kiểm sát cấp cao ở thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Về số lượng đội ngũ cán bộ, số lượng Thẩm phán cũng như Kiểm sát viên ở ba cấp này chưa đủ để làm nhiệm vụ trọng tâm của cải cách tư pháp trong thời gian qua và thời gian tới.
“Trong vấn đề chỉ đạo, để ba Tòa làm tốt công tác này, thời gian vừa qua các đồng chí ở TANDTC, VKSNDTC cũng cố gắng nhưng tập trung để gỡ công việc cho ba Tòa án này”, ông Quyền nhận xét.
Đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận xét, về cơ bản các vị đại biểu Quốc hội tán thành với các Báo cáo của Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, trong đó ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét hơn so với năm 2015 và một số năm trước. Các cơ quan, ngành trên đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ được nêu trong các nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp.
Nhìn chung, công tác tư pháp đã góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh, chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của nước ta. Đại biểu Quốc hội cũng nêu nhiều vấn đề đề nghị làm rõ thêm tình hình, nguyên nhân của tình trạng tội phạm và vi phạm pháp luật trong năm 2016. Diễn biến tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trong thời gian tới, nhất là các diễn biến mới, những loại tội phạm và vi phạm pháp luật gây tác động lớn cho xã hội thuộc các lĩnh vực như: môi trường, khai thác tài nguyên khoáng sản, tín dụng, ngân hàng, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, tội phạm về ma túy và các vụ giết người tàn độc, giết nhiều người...
Các vị đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với các kiến nghị, đề xuất của Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC và Ủy ban Tư pháp. Tuy nhiên, các giải pháp cần đảm bảo tính đồng bộ, vừa có những giải pháp lâu dài, vừa có những giải pháp có tính trước mắt. Cả về công tác xây dựng pháp luật, thể chế, về xây dựng đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Nâng cao nhận thức của công dân, cán bộ trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Riêng về việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ quan tư pháp Trung ương, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tư pháp ở Trung ương phải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội bàn bạc cụ thể các giải pháp về đầu tư xây dựng các trụ sở, cung cấp trang thiết bị để báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 1/2017.
Ngọc Đức