Từng 2 lần vinh quang đại diện cho tầng lớp dân nghèo Brazil bước vào dinh Tổng thống, hiện bà Rousseff đang phải đối mặt với làn sóng chống bà lớn chưa từng có.
Hôm 15/3, gần 1 triệu người dân Brazil tuần hành khắp nước, kêu gọi luận tội Tổng thống Dilma Rousseff và phản đối nền kinh tế trì trệ, tình trạng lạm phát và tham nhũng. Đây là làn sóng biểu tình phản đối có quy mô lớn nhất kể từ khi bà Rousseff lần đầu tiên nhậm chức tổng thống năm 2011.
|
Tổng thống Brazil nghe dự báo kinh tế nước này sẽ ảm đạm trong năm 2015, trong một cuộc họp hôm 9/2 (ảnh: AFP) |
Nó diễn ra giữa lúc Chính phủ Brazil đang vật lộn để khắc phục tình trạng bất ổn về kinh tế và chính trị. Đáng nói nhiều hơn là những hiểm họa đằng sau cuộc biểu tình khổng lồ đang làm “chấn động” quốc gia Nam Mỹ này.
Kinh tế lung lay, uy tín cạn đáy
Kênh France 24 đã nhận định: Uy tín của Tổng thống Brazil đang sụt giảm nhanh chóng, xuống dưới 20% kể từ thời điểm đầu năm 2015 vẽ ra viễn cảnh “cực kỳ ảm đạm” với bà Rousseff.
Từng vinh quang đại diện cho tầng lớp dân nghèo Brazil bước vào dinh Tổng thống ở thời điểm cách đây 5 năm, cương lĩnh tranh cử của bà Rousseff là giữ vững mức tăng trưởng kinh tế của Brazil gấp 3 lần so với Mỹ (thời điểm 2009), giúp hàng triệu người dân xóa nghèo. Cương lĩnh tranh cử này đã giúp bà giành Rousseff được tỷ lệ ủng hộ tới 83%.
Tuy nhiên, cũng chính ở thời điểm mà nền kinh tế tăng trưởng ở mức đỉnh cao nhất, vụ bê bối tham nhũng tại Tập đoàn dầu mỏ Petrobras liên quan đếu nhiều chính trị gia đã nhấn chìm nền kinh tế Brazil trong sự bi quan. Nhiều chính trị gia, có một số người trong Đảng của bà Rousseff bị cáo buôc đã nhận hối lộ những khoản tiền khổng lồ. Chỉ trong 9 tháng, giá trị thị trường của Petrobras đã bốc hơi 60%. Cùng vào thời điểm đó, chỉ số chứng khoán của Brazil, Bovespa cũng lao dốc không phanh. Vụ bê bối chính trị này mới chỉ là “khởi đầu” đối với Brazil.
Việc công ty dầu mỏ OGX tuyên bố phá sản vào tháng 10/2013, trở thành vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử Châu Mỹ Latin, là nhát búa thứ 2 bổ xuống uy tín của Tổng thống Rousseff. Hiện nay, ông chủ công ty dầu mỏ OGX – người có mối quan hệ thân mật với bà Rousseff – đang nợ hơn 1 tỷ USD và phải ra tòa vì cáo buộc giao dịch nội gián.
Bà Rousseff tái đắc cử Tổng thống hồi tháng 10/2014 với tỷ lệ ủng hộ chỉ hơn 41% khiến giới phân tích cảnh báo về những thách thức không nhỏ trong nhiệm kỳ lần này. Đáng nói, đồng Real của Brazil cũng mất giá so với đồng USD. Một đồng USD đổi được 1,55 đồng real vào thời điểm bà Rousseff nhậm chức năm 2011. Hiện nay 1 đồng USD đổi được 2,80 đồng real.
Báo cáo Ngân hàng Trung ương Brazil đưa ra hôm 3/3, dự báo tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2015 sẽ giảm 0,58%, mức kỷ lục trong vòng 20 năm gần đây, trong khi đó lạm phát sẽ ở mức 7,47%. Đây là nhát búa đánh sập uy tín của bà Rousseff.
Ngày 15/3, gần 1 triệu người Brazil đã tuần hành trên nhiều thành phố, thị trấn khắp cả nước để phản đối nền kinh tế sa sút, giá cả leo thang, tham nhũng tràn lan, và đòi luận tội Tổng thống Dilma Rousseff.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, khả năng bà Rousseff sẽ không bị luận tội theo yêu cầu của người biểu tình, do không tìm được bất cứ bằng chứng đáng tin cậy nào để buộc tội Tổng thống trong vụ Petrobras.
Ai đứng sau cuộc biểu tình khổng lồ này?
Reuters đưa tin Brazil đang đối mặt với làn sóng phản đối Tổng thống lớn chưa từng có. Hàng ngàn người dân, trong trang phục màu xanh lam, màu xanh lá cây và màu vàng, 3 màu của quốc kỳ Brazil, đã đổ ra đường tuần hành dọc bãi biển Copacabana ở thành phố Rio de Janeiro, hát quốc ca và yêu cầu bà Rousseff từ chức.
Ở Sao Paulo, thành phố lớn nhất và là thủ phủ kinh tế của đất nước, hơn nửa triệu người biểu tình tụ tập bên ngài tòa nhà cao chọc trời Avenida Paulista. Những người biểu tình cũng tuần hành tại 74 thành phố và thị trấn khác trên khắp đất nước, trong đó có hàng chục nghìn người tại thủ đô Brasilia cũng như hàng nghìn người ở Rio de Janeiro và Salvador de Bahia.
|
Người dân Brazil tuần hành hôm 15/3 (ảnh: Globo.com) |
Ông Diogo Ortiz, một người biểu tình tham gia tuần hành ở Sao Paulo cho biết: “Người dân Brazil cảm thấy bị phản bội. Vụ bê bối tham nhũng ở Tập đoàn Petrobras là một nỗi ô nhục của quốc gia và quốc tế”.
Một người biểu tình khác phát biểu trên truyền hình: “Tôi yêu đất nước Brazil, và tôi quá mệt mỏi với nạn tham nhũng. Chúng tôi không muốn đất nước này bị những kẻ tham nhũng cướp bóc”.
Phe đối lập nhân cơ hội này đã đổ trách nhiệm vụ bê bối lên Tổng thống Rousseff và đảng Lao động (PT) cầm quyền. Nghị sĩ Antonio Carlos Mendes Thame, một thủ lĩnh của Đảng Dân chủ Xã hội Brazil (PSDB), tuyên bố sẽ tìm mọi bằng chứng để có thể luận tội bà Rousseff. Những lời lẽ này thường được xem là điều cấm kỵ ở Brazil - một trong những nền dân chủ ổn định nhất châu Mỹ Latin kể từ khi Tổng thống Fernando Collor bị luận tội vì tham nhũng vào năm 1992.
Các đảng đối lập khác cũng tung lên truyền thông cáo buộc đảng cầm quyền tạo ra sự phân chia giai tầng trong xã hội, khi tạo điều kiện cho những người ủng hộ họ hưởng lợi nhiều hơn từ các chương trình phúc lợi xã hội phổ biến, so với phần còn lại của đất nước.
Căng thẳng lên cao đến mức, một nhóm người còn kêu gọi quân đội can thiệp để chấm dứt 12 năm cầm quyền của Đảng Lao động (PT) với cáo buộc “kích động người dân chống lại người dân”.
Hậu quả khó lường
Mặc dù căng thẳng chính trị đang lên cao tại Brazil nhưng khả năng cao Tổng thống Rousseff sẽ không bị luận tội. Nhưng với một làn sóng chống đối lớn chưa từng có kết hợp với uy tín của chính Tổng thống và đảng cầm quyền giảm tới 19% chỉ trong 2 tháng, đã thể hiện rõ sự bất mãn của người dân.
Thêm vào đó, sự bất ổn từ kinh tế, xã hội cho tới chính trị ở Brazil chắc chắn sẽ là môi trường lý tưởng cho những thế lực chống đối trong nước và bên ngoài nhảy vào khoắng cho đục ngầu.
Bà Dilma Rousseff đang đứng trước thách thức tựa núi cao. Không chỉ phải giải quyết êm thấm những bê bối tham nhũng, dẹp yên những cáo buộc của phe đối lập, mà hơn hết là khôi phục niềm tin của người dân.
Theo ông Rafael Cortez, nhà phân tích chính trị tại Công ty Tư vấn Tendencias Consultoria Integrada (Brazil), nói với hãng tin Bloomberg: Sự bế tắc trong việc chấn hưng kinh tế, cho duy trì quá lâu chính sách thắt lưng buộc bụng (dự kiến tới hết năm 2015) của bà Dilma Rousseff, nguy cơ là dấu chấm hết cho tương lai chính trị của nữ Tổng thống được cho là đầy quyền lực một thời./.
Theo VOV