Bộ trưởng Giáo dục: Rất trăn trở với 191.000 cử nhân thất nghiệp
Cập nhật lúc 22:02, Thứ tư, 16/11/2016 (GMT+7)
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết ông rất trăn trở với con số 191.000 cử nhân tốt nghiệp đại học thất nghiệp mà đại biểu Quốc hội đã nêu ra trong chất vấn sáng 16-11. (ngành giáo dục, đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục, dạy thêm, Phùng Xuân Nhạ)
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết ông rất trăn trở với con số 191.000 cử nhân tốt nghiệp đại học thất nghiệp mà đại biểu Quốc hội đã nêu ra trong chất vấn sáng 16-11.
Sáng nay 16-11, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội. Những vấn đề nóng được đại biểu tập trung chất vấn gồm: tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường bị thất nghiệp; vấn đề đổi mới giáo dục, bạo lực học đường, bất cập trong sách giáo khoa.
Bộ trưởng có trách nhiệm gì với 191.000 cử nhân thất nghiệp?
Chất vấn về vấn đề sinh viên thất nghiệp, Đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) đặt vấn đề: Hiện nay có 191.000 sinh viên tốt nghiệp đại học chưa có việc làm nhưng ở các địa phương cũng có rất nhiều các trường đại học, các trường này vẫn tiếp tục đào tạo, gây mất cân đối cung cầu.
|
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn sáng 16-11 - Ảnh chụp qua màn hình |
“Sinh viên ra trường không có việc làm, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục tình trạng này, có nên tiếp tục đào tạo như vậy không?”
Cũng chất vấn về nội dung này, ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) chất vấn: Tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm gây nhức nhối cho xã hội. Bộ trưởng có trách nhiệm gì đối với tình trạng này?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu câu hỏi chất vấn: Tôi muốn hỏi trong số 191.000 sinh viên thất nghiệp thì Bộ Giáo dục và Đào tạo có lỗi gì không?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ rất chia sẻ với con số mà đại biểu đã nêu ra. “Tôi rất trăn trở với vấn đề này”- Bộ trưởng Nhạ nói.
Ông Phùng Xuân Nhạ cho biết theo tính toán hiện nay, trong 5 năm có khoảng 300.000 sinh viên ra trường thất nghiệp. Số sinh viên có việc làm ngay chủ yếu tập trung ở những trường có chất lượng giáo dục tốt, có bề dày, số sinh viên thất nghiệp nhiều chủ yếu ở các trường mới thành lập, hoặc trường có chất lượng giảng dạy chưa cao.
Tới đây Bộ sẽ đột phá vào vấn đề này, phân loại chất lượng các trường đại học. Phải quy hoạch lại mạng lưới, phân loại các trường đại học. Theo đó ở các địa phương không nhất thiết phải có trường đại học, sinh viên không nhất thiết phải học gần nhà, chúng ta cần tập trung mạng lưới các trường đại học.
“Tôi rất trăn trở về vấn đề này. Tới đây với vai trò bộ trưởng, tôi sẽ tập trung siết chặt quản lý chất lượng đào tạo, không chỉ chất lượng đầu vào mà cả chất lượng đầu ra vì lâu nay chất lượng đầu ra chúng ta chưa chú trọng lắm”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ.
|
ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hoá): Bộ trưởng có trách nhiệm gì đối với tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm - Ảnh: Quochoi.vn |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định về chất lượng đào tạo, bộ xin nhận trách nhiệm, trong nhiều trường hợp là có lỗi trong việc để cho sinh viên ra trường không có việc làm. Chúng tôi thành thật nhận trách nhiệm chứ không trốn tránh gì.
“Tư lệnh” nghành giáo dục cũng nhận định việc sinh viên ra trường có việc làm hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như sự phát triển của doanh nghiệp, thị trường, đó là những vấn đề do các bộ trưởng khác phụ trách, sẽ trả lời thêm với Quốc hội”- ông Nhạ nói.
Bạo lực học đường có xu hướng gia tăng
Lý giải về xu hướng bạo lực học đường gia tăng và cũng để trả lời câu hỏi của ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hoá), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đã rà soát và nhận thấy nguyên nhân không chỉ trong ngành giáo dục vì còn cả gia đình xã hội và mặt trái kinh tế thị tường.
Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định trước hết vẫn nhận trách nhiệm về mình vì phải giáo dưỡng học sinh sinh viên ngay từ khi còn nhỏ, các em phải học đạo đức. Vì thế, Bộ đã quyết định đưa bộ môn giáo dục công dân vào chương trình thi tốt nghiệp.
“Có những ý kiến phụ huynh phàn nàn khi quyết định đưa Giáo dục công dân vào thi tốt nghiệp. Trước đây Bộ đã cố gắng đưa môn này vào kỳ thi nhưng chưa được. Nay phải đưa vào vì có thi học sinh mới học. Học sinh có thể thấy áp lực khi tăng môn học nhưng trong thực tế đối với học sinh phổ thông học toàn diện phải đánh giá toàn diện. Môn Giáo dục công dân sẽ góp phần giảm bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng”- Bộ trưởng Nhạ nói.
Bộ trưởng cũng thừa nhận bạo lực học đường là hiện tượng có thật và có xu hướng gia tăng. Trong 22 triệu học sinh sinh viên chỉ bộ phận nhỏ có bạo lực, có hành vi xuống cấp đạo đức lối sống nhưng đã làm vẩn đục, khiến xu hướng đạo đức lối sống của thế hệ học sinh sinh viên ngay từ nhỏ đã có nguy cơ không kiểm soát được.
ĐB Cao Thị Xuân cũng truy vấn về trách nhiệm của Bộ trưởng Giáo dục trước vấn nạn dạy thêm học thêm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định giải pháp gốc là phải điều chỉnh chương trình.
"Dạy thêm học thêm có từ rất lâu rồi, cũng là vấn đề gây bức xúc. Đây trước hết là nhu cầu tự thân, nhưng cái cần chấn chỉnh là dạy thêm học thêm tràn lan. Bộ đã ra thông tư 17 để chấn chỉnh, và thực tế hiện nay việc dạy thêm học thêm đã được chấn chỉnh từng bước"- ông Nhạ nói.
Tuy nhiên "tư lệnh ngành giáo dục cũng cho rằng vẫn tiềm ẩn nguy cơ biến tướng trong dạy thêm học thêm. và ông cho rằng giải pháp mà bộ đang thực hiện là phối hợp với địa phương tăng cường giám sát.
" Nhưng giải pháp gốc vẫn là nội dung chương trình. Hiện chúng tôi đang định hướng rà soát chương trình, làm sao để lược bỏ bớt chương trình không cần thiết để chương trình học nhẹ hơn, phù hợp hơn”- ông Nhạ bày tỏ.
Theo Tô Hà-Văn Duẩn/Người lao động
.