(BVPL) - Cục An ninh Kinh tế đã lập chuyên án điều tra việc tung tin đồn Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà bị bắt, làm chao đảo thị trường tài chính ngân hàng ngày 21/2.
Tin đồn ông Trần Bắc Hà loang ra từ sáng 21/2, đúng lúc ông đang chủ trì cuộc họp ban lãnh đạo BIDV để triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2013. BIDV đánh giá thông tin bịa đặt này ảnh hưởng xấu đến đến uy tín thương hiệu của mình cũng như thị trường chứng khoán, thị trường tài chính Việt Nam.
Các chỉ số chứng khoán chốt phiên giao dịch giảm với biên độ lớn nhất từ tháng 8/2012, khi nguyên Phó chủ tịch Ngân hàng Á Châu bị bắt. Tỷ giá đôla trong ngân hàng sau thời gian dài ổn định cũng tăng qua ngưỡng 21.000 đồng. Nhiều người dân khu vực TP HCM đã đổ đi mua vàng miếng.
"Chúng tôi đã báo cáo Tổng cục An ninh II. Theo nhận định của Tổng cục, đối tượng tung tin bịa đặt có thể không chỉ nhằm mục đích trục lợi mà còn nhằm mục đích phá hoại thị trường tài chính ngân hàng", ông Trần Bắc Hà nói .
Thông cáo báo chí của BIDV phát đi cuối ngày cũng cho biết Thiếu tướng Trình Văn Thống, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh II đang chỉ đạo điều tra xác minh truy tìm thủ phạm tung tin bịa đặt trên.
Cùng với thông tin về ông Trần Bắc Hà, người ta cũng đồn thổi một quan chức ngân hàng khác bị bắt giữ. Chiều 21/2, vị này chủ động liên lạc với VnExpress và bác bỏ tin bịa đặt.
Ngân hàng nhà nước cho biết, đang phối hợp với Bộ Công an để làm rõ nguồn gốc tin đồn, có biện pháp xử lý thích hợp và phối hợp với các bộ, ngành, UBND xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh trái phép trên thị trường ngoại tệ tự do. Người dân và doanh nghiệp cần thận trọng và tỉnh táo trước các tin đồn thất thiệt để tránh những thiệt hại không đáng có.
Luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty Luật Bảo An, Đoàn Luật sư Hà Nội), cho rằng việc bịa đặt và loan tin Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bị bắt không những đã để lại hậu quả nặng nề với nền kinh tế, làm thiệt hại cho nhiều tổ chức và cá nhân mà nó còn thỏa mãn dấu hiệu của “tội vu khống” được quy định tại Điều 122 Bộ luật Hình sự.
Điều luật quy định rõ, người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Nếu người phạm tội có tổ chức hoặc lợi dụng chức vụ quyền hạn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 với mức hình phạt tối đa đến 7 năm.
"Rõ ràng người đã bịa đặt thông tin này là hoàn toàn có chủ ý, có động cơ rõ ràng và có sự tính toán kỹ lưỡng tác động đến thị trường. Hành vi vu khống này khó có thể do một người thực hiện mà thông thường phải có đồng phạm, do một nhóm người thực hiện để trục lợi trên quy mô lớn", ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, người vu khống có trục lợi từ việc loan tin bịa đặt này hay không lại không bị điều chỉnh bởi tội vu khống mà có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để hạn chế những thiệt hại do tin đồn thất thiệt này, theo ông, Bộ Công an cần có thông báo chính thức để trấn an dư luận và tích cực điều tra truy tìm thủ phạm.
"Với người dân, đây cũng là bài học để tránh mắc lừa cũng như không có những hành vi tiếp tay cho tin đồn", ông nói.
Theo VnExpress.net