Theo ông Hoàng Văn Hà, cán bộ của ATP, sau khi có công văn của ATP đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc bảo vệ cá thể rùa Hoàn Kiếm vừa phát hiện, UBND thị xã Sơn Tây đã cử 2 cán bộ công an có mặt ở hiện trường, tăng cường hoạt động giám sát, giữ gìn an ninh trật tự khu vực cũng như bảo vệ cá thể rùa Hoàn Kiếm đặc biệt quý hiếm này. Chi cục Kiểm lâm thị xã Sơn Tây, Hà Nội cũng sẵn sàng phối hợp với cán bộ bảo tồn của ATP trong trường hợp cá thể rùa Hoàn Kiếm bị bắt do hoạt động đánh bắt thủy sản của người dân.

leftcenterrightdel
Rùa hồ Gươm mới phát hiện ở hồ Xuân Khanh. Ảnh: ATP. 

Ông Hà cho biết thêm, UBND thị xã Sơn Tây cũng đã đồng ý phương án, nếu cá thể rùa Hoàn Kiếm ở Xuân Khanh bị bắt sẽ đưa về cứu hộ tại hồ Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, nơi cũng có một cá thể rùa Hoàn Kiếm sinh sống. Đây là hòn đảo có diện tích gần 5.000 m2 đã được ATP khảo sát và lựa chọn cho việc xây dựng cơ sở bảo tồn loài. Tại đây, công tác chăm sóc cứu hộ sẽ được tiến hành trong điều kiện môi trường được kiểm soát và hai cá thể rùa Hoàn Kiếm ở Việt Nam có thể ghép đôi sinh sản nếu giới tính của chúng được xác nhận. 

Trước đó, thông tin phát hiện cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh đã gây chấn động dư luận. Bởi đây là loài rùa đặc biệt quý hiếm, có ý nghĩa về mặt tâm linh, lịch sử với người dân Thủ đô. Khi rùa Hồ Gươm mất đầu năm 2016, cả thế giới chỉ còn 3 cá thể rùa Hoàn Kiếm, gồm 2 cá thể ở vườn thú Tô Châu, Trung Quốc, một cá thể ở hồ Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Với việc phát hiện ra cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh, thế giới đã có 4 cá thể rùa Hoàn Kiếm được biết đến, gồm 2 cá thể ở Trung Quốc và 2 cá thể ở Việt Nam.  

Theo công bố của Chương trình bảo tồn rùa Châu Á (ATP) ngày 12-4, các cán bộ ATP đã nhìn thấy cá thể rùa Hoàn Kiếm, loài quý hiếm nhất thế giới, nặng chừng 70-80kg đang sống ở hồ Xuân Khanh, cách hồ Đồng Mô (Sơn Tây) khoảng 10 km. Phát hiện này có được nhờ ứng dụng kỹ thuật gene môi trường (eDNA - tức lấy mẫu nước trong hồ để đối chiếu). 

leftcenterrightdel
 Đại diện ATP (áo xanh) và nhóm ngư dân thấy dấu hiệu của rùa Hoàn Kiếm trong khu vực quây lưới nhưng rùa không nổi lên.

 

Từ ngày 11-4, Ông Lê Trung Tuấn - chủ hồ Xuân Khanh đã thuê người quây lưới đánh cá trên diện rộng. Phương thức này có thể khiến cá thể rùa Hoàn Kiếm gặp rủi ro bị mắc vào lưới và bị bắt. Ông Tuấn cho biết, mục đích thầu hồ là phát triển thương hiệu cá sạch, nhưng luôn coi rùa Hồ Gươm là di sản quý giá của Việt Nam. Ông vui vì biết loài rùa quý hiếm nhất thế giới xuất hiện ở hồ Xuân Khanh và cũng lo lắng loài này sẽ bị tổn hại do ô nhiễm từ bãi rác gần đó xả thải. 

ATP đã bày tỏ mong muốn chủ hồ và cơ quan chức năng giúp đỡ, bảo vệ rùa. Trường hợp bị bắt, rùa có thể được đưa đến khu bán hoang dã an toàn hơn trên hòn đảo ở hồ Đồng Mô - khu vực tiềm năng và có thể phát triển thành sinh cảnh bán hoang dã của rùa Hoàn Kiếm. 

 

Thế Đức (t/h)