Mặc dù bão số 3 (tên quốc tế là Dianmu) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, nhưng đêm nay và sáng mai (20/8), các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và miền núi phía Bắc vẫn có mưa vừa, mưa to đến rất to, nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét ở miền núi vẫn rất cao.
 
Sạt lở khiến một huyện Mường Lát của tỉnh Thanh Hóa bị chia cắt về giao thông, ngày 19/8 (Ảnh: Duy Tuyên).
Sạt lở khiến một huyện Mường Lát của tỉnh Thanh Hóa bị chia cắt về giao thông, ngày 19/8 (Ảnh: Duy Tuyên).
 
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 ở Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11, ở Cô Tô, Cửa Ông (Quảng Ninh) đã có gió giật mạnh cấp 10-11; các tỉnh phía Đông Bắc Bộ đã có gió giật mạnh cấp 6-9. Ở Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã có mưa 50-150mm, có nơi 200mm.
 
Chiều nay (19/8) sau khi đi vào khu vực Hà Nội bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
 
Hồi 17h ngày 19/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Đồng Bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7-9.
 
Dự báo trong 6 giờ tới (đến 23h ngày 20/8), áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km.
 
Ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9, sóng biển cao từ 3-5m. Biển động mạnh. Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình có nước dâng do bão kết hợp thủy triều cao 3,0-3,5m. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
 
Các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, Sơn La, Hòa Bình có gió giật cấp 6-8. Khu vực Hà Nội có gió giật mạnh cấp 6-7 và mưa 50-100mm.
 
Đến 23h ngày 19/8, áp thấp nhiệt đới suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Tây Bắc Bộ.
 
Cảnh báo mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất
 
Từ nay đến hết ngày 20/8, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa diện rộng (50-100mm), riêng khu vực Tây Bắc, Việt Bắc có mưa rất to (100-200mm).
 
Mực nước trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình, sông Hoàng Long, sông Kỳ Cùng, sông Bằng, sông Đáy, sông Đào sẽ lên nhanh. Biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2-5m, hạ lưu từ 2-3m. Đỉnh lũ trên sông Cầu, sông Thương, sông Bằng, sông Đáy, sông Đào, hạ lưu sông Thái Bình ở mức báo động I; sông Thao, Lục Nam, Kỳ Cùng, Hoàng Long ở mức báo động II; thượng lưu sông Mã, sông Bưởi lên mức báo động II, hạ lưu lên mức báo động I-II; sông Cả, sông La dưới mức báo động I.
 
Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh và vùng núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An; ngập úng ở đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.
 
Nói về nguy cơ xảy sạt lở đất, đá tại các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường – Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết: “Bão số 3 vào nước ta trong bối cảnh các tỉnh miền Bắc vừa chịu ảnh hưởng của hai cơn bão số 1 và 2, lại xuất hiện mưa lớn trong thời gian dài, do đó đất, đá đã “ngậm” đủ nước. Chính vì thế tại các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, đá, lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ”.
 
Hà Nội: Nước sông Nhuệ tiếp tục dâng cao, nhiều nơi bị dềnh nước cục bộ
 
Tính đến cuối ngày 19/8, trên địa bàn Hà Nội đã ngớt mưa, tuy nhiên mực nước sông Nhuệ vẫn tiếp tục dâng cao nên hàng loạt tuyến đường vẫn bị ngập sâu từ 0,2-0,3m, cá biệt một số vị trí như Liễu Giai, Đường Thành, Đối Cấn… còn có hiện tượng dềnh nước cục bộ.
 
Ông Lê Vũ Quảng Sương – Phó tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, lượng mưa đo được từ 8h đến 17h ngày 19/8 tại các trạm đo Cầu Giấy 76,5mm, Mễ Trì 91,4mm, Xuân Đỉnh 80,4mm, Ngã Tư Sở 87,6mm, Lương Đình Của 89,0mm, Long Biên 81,7mm, Nam Từ Liêm 72,2mm, Linh Đàm 89,4mm, Yên Sở 82,7mm, Nguyễn Khuyến 89,3mm, Hoàng Mai 80,7mm, Gia Thụy 80,8mm, Hoàn Kiếm 90,2mm, Vân Hồ 90,5mm.
 
Thời điểm hiện tại trên địa bàn đã ngớt mưa, một số điểm đã hết úng ngập, giao thông đi lại bình thường như: Nguyễn Siêu - Ngõ Gạch, Tông Đản, Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Liễu Giai, Quang Trung - Trần Quốc Toản, Giải Phóng (bến xe phía Nam), ngã tư Tây Sơn - Thái Hà, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Trãi, Hoàng Minh Giám, Ngọc Hồi.
Tại đường Thụy Khuê và Đội Cấn nước ngập sâu và kéo dài cả km (Ảnh: Hà Trang)
Tại đường Thụy Khuê và Đội Cấn nước ngập sâu và kéo dài cả km (Ảnh: Hà Trang)
Tuy nhiên, mực nước sông Nhuệ tiếp tục dâng cao (tại Trạm bơm Đồng Bông I là 5.50m, tại Thanh Liệt là 4.99m) nên vẫn còn úng ngập tại Thụy Khuê, Trần Bình, Trần Cung, Phan Văn Trường, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, Đội Cấn, Hoa Bằng, Minh Khai, Hoàng Mai, Nguyễn Chính, 126 Vĩnh Hưng, Thanh Đàm, Minh Khai (chân cầu Vĩnh Tuy), Trường Chinh, Quan Nhân, Vũ Trọng Phụng, Cự Lộc, Trần Duy Hưng, Triều Khúc, Tân Triều với mức ngập sâu từ 0,2-0,3m.
 
Ông Lê Vũ Quảng Sương cho biết, một số vị trí khác như Liễu Giai, Đường Thành, Lương Thế Vinh, Đối Cấn (khách sạn La Thành) … còn hiện tượng dềnh nước cục bộ.
 
Để đối phó với những diễn biến phức tạp của thời tiết, Công ty Thoát nước vẫn tiếp tục triển khai 100% lực lượng ứng trực với hơn 2.000 cán bộ công nhân viên, 200 đầu xe máy, thiết bị cơ giới để phục vụ giải thoát nước tại các vị trí được phân công theo phương án thoát nước mùa mưa và phòng chống thiên tai năm 2016.
 
Công ty Thoát nước Hà Nội cũng điều phối trạm bơm Yên Sở, trạm bơm Đồng Bông I, II, Thanh Bình… vận hành hết công suất để hạ mực nước trên hệ thống, chủ động đối phó với diễn biến của mưa bão.

 

Theo Dân trí
 
.