Lợi dụng kẽ hở của pháp luật, MB24 chọn phương thức hoạt động “mô hình phức hợp” để không nằm trong những quy định của luật pháp về kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) và bán hàng đa cấp.

 
 
MB24 đã tung hoành hoạt động mà chẳng bị cơ quan quản lý nhà nước “thổi còi”. Tài nghệ “lách luật” mà thủ lĩnh của nhóm lừa đảo này chính là Nguyễn Tuấn Minh – Tổng Giám đốc MB24 - kẻ đã bỏ trốn sau khi CA khởi tố vụ án. 
 
Lách luật bằng... mô hình phức hợp
 
Nhóm lãnh đạo của MB24 đa phần đã từng tham gia hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp ở một số Cty đã bị rút giấy phép hoặc gây nhiều tai tiếng nên đã nhanh chóng nhận thấy kiểu bán hàng đa cấp kiểu “nửa dơi nửa chuột” (bán hàng là phụ, kêu gọi người tham gia để ăn hoa hồng là chính), vừa kiếm lời không nhiều, dễ bị “thổi còi” nên nhóm người đó đã tách ra và thành lập MB24. Rút kinh nghiệm từ vụ DHT bị CA khởi tố vì lừa đảo, chiếm đoạt tài sản (tháng 2.2012), nên MB24 đã tuân thủ chiêu thức “lừa” nhưng không để pháp luật “siết” được. 
 
Trong bài “Quản lý trang web...” (doanh nghiệp trung ương ngày 26.7) có đăng ý kiến của LS Nguyễn Anh Minh (Trưởng VPLS Trí Minh-HN) là người được MB24 thuê tư vấn: “Việc (MB24) chưa được cấp phép sàn GDTMĐT là do “lỗ hổng” pháp luật, thông tư hiện hành chưa quy định với mô hình phức hợp (cung ứng dịch vụ bán hàng và có cả hoạt động kiếm lời từ hoa hồng cho các thành viên), chứ không phải do lỗi của MB24. Không thể nói họ lừa đảo hay làm trái pháp luật được”. Còn LS Nguyễn Duy Linh (Cty luật TNHH quốc tế Việt Nam - VILAF Hồng Đức: “MB24 có chính sách phát triển thành viên theo mạng lưới song song... không có cơ sở để khẳng định đây là kinh doanh đa cấp...”. MB24 đã “ung dung” thoát khỏi vòng cương tỏa các quy định của Luật Cạnh tranh (Điều 48 - bán hàng đa cấp bất chính) và thông tư 46 của Bộ Công Thương về quản lý hoạt động của web TMĐT). Dù không được Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cấp phép mở sàn GDTMĐT nhưng tại trụ sở chính, các chi nhánh của MB24 đều treo biển có dòng chữ “Sàn giao dịch thương mại điện tử Muaban24”, băngrôn tại các buổi hội thảo đều có dòng chữ sàn GDĐT. MB24 được Hiệp hội TMĐTVN (VECOM) kết nạp là hội viên. Với cái “mũ” hợp pháp này, cộng với việc trưng giấy đăng ký doanh nghiệp và giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến... khiến nhiều người rất tin tưởng MB24 hoạt động hợp pháp và lao vào “vòng xoáy” nộp tiền cho MB24 không một chút nghi ngờ.
 
Khi bị báo chí phanh phui MB24 hoạt động bất hợp pháp, Tổng Giám đốc MB24 Nguyễn Tuấn Minh vẫn quả quyết trên một vài tờ báo: “Web muaban24.vn không phải là đối tượng đăng ký sàn GDTMĐT, chỉ bán gian hàng ảo, không bán hàng thật nên không phải đăng ký cấp phép bán hàng đa cấp”. Trước một ngày bị bắt, ngày 30.7, Chủ tịch HĐQT Muaban24 Ngô Văn Huy đã đến Báo Lao Động khẳng định: “Báo chí chưa hiểu hết hoạt động của MB24, chúng tôi hoạt động đúng quy định của pháp luật”. Lãnh đạo MB24 đinh ninh rằng không thể bị bắt vì tội lừa đảo như “siêu lừa DHT” và không bao giờ nghĩ rằng sẽ bị bắt vì tội trốn thuế (Điều 161) và Điều 266b (bổ sung) Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2009 - các hành vi tội phạm về CNTT và TMĐT, nên đến ngày bị bắt vẫn còn mạnh miệng.
 
Biết mà... quá thờ ơ
 
Tháng 5.2011, MB24 được Sở KHĐT Hà Nội cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, một tháng sau, VECOM đã kết nạp hội viên MB24. Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng (Phó Tổng thư ký VECOM) thì khoảng tháng 10.2011, VECOM đã “biết chuyện” về MB24 do nhận được phản ánh của một đơn vị ở tỉnh Hòa Bình và “Từ đó tới nay, VECOM vẫn theo dõi tình hình KD của MB24, nếu căn cứ theo quy định của pháp luật liên quan tới TMĐT thì chưa đủ cơ sở để khai trừ khỏi hiệp hội. Tới tháng 7.2012, mặc dù chưa có kết luận của các cơ quan quản lý nhà nước, nhưng xét thấy MB24 có dấu hiệu kinh doanh không lành mạnh, gây tổn hại uy tín hiệp hội và lĩnh vực TMĐT nên đã chấm dứt tư cách hội viên của MB24 vào ngày 25.7”.
 
Trả lời câu hỏi của PV Lao Động: Cục TMĐT-CNTT có bất ngờ về vụ MB24, ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng - thừa nhận: “Ngay từ tháng 8.2011, khi MB24 nộp hồ sơ đăng ký hoạt động sàn GDTMĐT, cục đã nhận thấy hoạt động đó có nhiều tiềm ẩn rủi ro cho thị trường, đã yêu cầu Cty bổ sung hồ sơ nhưng vẫn không đạt, nên không cấp phép. Nhưng MB24 vẫn quảng bá và rêu rao sàn giao dịch của mình là sàn GDTMĐT và tổ chức hoạt động...”. Ông Linh cho biết thêm: Tháng 4.2011, cục đã có văn bản phân tích rủi ro, khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng khi tham gia vào những web kiểu này, kêu gọi cá nhân, tổ chức phản ánh hoạt động kinh doanh không đúng pháp luật của các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT với cơ quan chức năng. Bản khuyến cáo của Cục TMĐT-CNTT đăng trên web của Bộ Công Thương. VECOM cũng đã khuyến cáo trên web của mình.
 
Nhưng người dân làm sao biết được lời cảnh báo trên trang web của bộ, VECOM, rồi Đài THVN có phát sóng trên giờ “vàng” lời cảnh báo này mấy ai nghe được để mà cảnh giác. Về bản khuyến cáo đó, chúng tôi thấy cũng chỉ là lời chỉ dẫn chung chung, không nêu rõ những web nào không được Cục TMĐT-CNTT cấp phép mà vẫn hoạt động trá hình, núp bóng kinh doanh TMĐT kiểu như MB24. Cục cũng kêu gọi cá nhân, tổ chức phản ánh tới cơ quan chức năng - nhưng không có địa chỉ cụ thể thì người dân biết đến đâu để phản ánh(?).
 
Hoạt động của MB24 đã nằm ngoài tầm “kiểm soát” của các cơ quan quản lý nhà nước cả một thời gian dài. Chính sự im lặng của các cơ quan có thẩm quyền tạo cơ hội để MB24 đã ngang nhiên hoạt động một cách hợp pháp. Cùng thời điểm mà VECOM và Cục TMĐT-CNTT nhận thấy MB24 hoạt động bất bình thường, thì chính quyền huyện Than Uyên đã có quyết định xử phạt hành chính và có thông báo rộng rãi đến các đơn vị trong huyện, vận động cán bộ, nhân dân không giao dịch với MB24 vì không có giấy phép kinh doanh TMĐT (tháng 8.2011). Và chỉ đến khi MB24 “rầm rộ” trên báo chí thì VECOM “vội vã” ra quyết định khai trừ vì sợ ảnh hưởng đến uy tín của mình. Bạn đọc Lê Trung Thàn - lenovo241268@ gmail.com viết: Không thể tin nổi một huyện xa xôi so với các TP trực thuộc T.Ư mà chính quyền địa phương lại có một quyết định nhanh chóng và sáng suốt như huyện Than Uyên...”. Bởi chính quyền huyện Than Uyên đã làm vì lợi ích của người dân. Còn 39 Cty kinh doanh như MB24 vì sao vẫn nằm trong vòng “bí mật”?
 
Bài tiếp: Công ty lừa - bao giờ điểm mặt, chỉ tên?
 
Nhóm P.V
Lao động điện tử
.