(BVPL) - BBC News đưa tin, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã lên án các cuộc biểu tình tại Hồng Kông và đổ lỗi cho “lực lượng đối lập cấp tiến” đứng sau hoạt động này. Báo chí Trung Quốc gọi biểu tình ở Hồng Kông là bất hợp pháp, thậm chí có tờ báo còn đòi trừng phạt hành động này của Hồng Kông.
 

Cảnh sát Hồng Kông dùng đạn hơi cay để giải tán biểu tình nhưng bất thành.
Cảnh sát Hồng Kông dùng đạn hơi cay để giải tán biểu tình nhưng bất thành.


Trước đó, chiến dịch 1 tuần bãi khóa của học sinh, sinh viên Hồng Kông đã nhanh chóng phát triển thành cuộc biểu tình “Chiếm Trung tâm”. Những người biểu tình đòi Bắc Kinh hủy bỏ quy định kiểm soát nhân sự ứng viên bầu cử Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông năm 2017 và thực hiện chế độ phổ thông đầu phiếu như đã cam kết. Hàng ngàn học sinh, sinh viên Hồng Kông tiếp tục qua đêm trên đường phố để tiếp tục cuộc biểu tình kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng quyền tự chủ của Hồng Kông như đã hứa.

Theo giới truyền thông, khoảng 1 ngàn người biểu tình đã ngủ qua đêm tại ngã ba Argyle và đường Nathan ở Kowloon hô vang khẩu hiệu “Lương Chấn Anh hãy từ chức!”. Các cửa hàng trên toàn khu vực người biểu tình đang hoạt động đã đóng cửa sớm.

Ở đại lục, truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi các cuộc biểu tình là bất hợp pháp, không được phép, nhưng hầu hết báo chí nhà nước Trung Quốc chỉ trích cuộc biểu tình lại rất hạn chế khi đưa các hình ảnh chi tiết hoạt động biểu tình ở Hồng Kông. Tờ China Daily nói rằng, cảnh sát đã phải dùng hơi cay để giải tán đám đông biểu tình “bất hợp pháp”. Tờ báo này gọi các cuộc biểu tình ở Hồng Kông là chủ nghĩa phiêu lưu, cơ hội và đổ lỗi cho các nhóm biểu tình “Chiếm Trung tâm” kích động học sinh, sinh viên, đe dọa nền kinh tế lành mạnh và xã hội ổn định ở Hồng Kông. Tờ báo này cho rằng sự nhiệt tình và chủ nghĩa lý tưởng của học sinh, sinh viên Hồng Kông đang bị “lợi dụng”.

Bản tiếng Anh của Thời báo Hoàn Cầu nói rằng cảnh sát Hồng Kông đã rất kiềm chế trong việc xử lý những người biểu tình. Tờ báo chỉ trích gay gắt hoạt động này vì nó “làm hỏng hình ảnh của Hồng Kông”. Không dừng lại ở đấy, Thời báo Hoàn Cầu tiếp tục cáo buộc truyền thông Mỹ đã liên kết hoạt động biểu tình ở Hồng Kông hiện nay với sự kiện Thiên An Môn năm 1989. “Bằng cách thổi phồng sự so sánh vô căn cứ như vậy, họ đang cố gắng đánh lừa và khuấy động xã hội Hồng Kông. Trung Quốc không còn là quốc gia của 25 năm trước. Chúng tôi đã tích lũy được kinh nghiệm và rút ra bài học từ những người khác, giúp tăng cường sự phán xét của chúng tôi khi phải đối mặt với rối loạn xã hội”, Thời báo Hoàn Cầu khẳng định.

Tờ báo này cũng yêu cầu chính quyền Hồng Kông: “Có những hành động để tiếp tục ngăn chặn thiệt hại do các lực lượng cực đoan gây ra cho xã hội. Chính quyền Trung ương phải hỗ trợ vững chắc cho đặc khu hành chính Hồng Kông có hành động kiên quyết chống lại các hoạt động cực đoan, bao gồm vạch rõ giới hạn đỏ về một nhà nước pháp quyền ở Hồng Kông”. Vương Cường, giáo sư của Trường Đại học Cảnh sát vũ trang Trung Quốc kêu gọi trên trang Sohu, Cảnh sát vũ trang cần được huy động để xử lý tình hình “nếu các cơ quan thực thi pháp luật Hồng Kông không làm được việc này”.

Giới phân tích cho rằng, biểu tình ở Hồng Kông chính là sự chia rẽ về thế hệ và kinh tế. Cuộc biểu tình này bùng nổ thành bạo lực ở Hồng Kông đã phơi bày những khoảng cách về thế hệ và kinh tế sâu sắc trong thành phố và có thể gây ảnh hưởng tới sự hình thành mối quan hệ của nó với Trung Quốc trong nhiều năm tới. Những người trẻ tuổi tại Hồng Kông đã thể hiện sự thất vọng của thế hệ mình với tình trạng phải vật lộn với chi phí nhà ở tăng cao, một nền kinh tế bị chi phối bởi một số tập đoàn lớn và sự cạnh tranh từ Trung Quốc đại lục về các dịch vụ như giáo dục và chăm sóc sức khỏe...

Giống với nhận định của truyền thông Trung Quốc, truyền thông nhà nước Nga đã bày tỏ sự ủng hộ đối với lập trường của Trung Quốc cáo buộc Mỹ đứng sau các biểu tình ở Hồng Kông. Thông tấn Nga RIA Novosti dẫn nguồn tin truyền thông Trung Quốc cho rằng, các nhà lãnh đạo của phong trào biểu tình “Chiếm Trung tâm”, đơn vị tổ chức biểu tình hàng loạt tại Hồng Kông, đã được huấn luyện đặc biệt bởi các cơ quan tình báo Mỹ.  Theo truyền thông Trung Quốc, những người tài  trợ cho phong trào biểu tình ở Hồng Kông có mối quan hệ gần gũi với Paul Wolfowitz - một trong những tác giả của bản báo cáo về mối đe dọa của Liên Xô.

Tình báo Mỹ dạy cho những người trẻ tuổi các chiến thuật biểu tình phản đối, chiến lược đàm phán với các nhà chức trách, hoạt động trên các mạng xã hội và tuyên bố mục tiêu của hoạt động là để thúc đẩy các giá trị dân chủ, nhưng thực tế là nhằm gây ảnh hưởng đến tình hình nội bộ của quốc gia đó và thành lập một trật tự thế giới mới, RIA Novosti bình luận.

Báo Nga cũng cho rằng do “những mối đe dọa” trên, chính quyền Bắc Kinh đã tiến hành cải cách hệ thống bầu cử ở Hồng Kông. RIA Novosti khẳng định thông tin tuyên bố các nhà lãnh đạo của phong trào biểu tình “Chiếm Trung tâm” được tình báo Mỹ huấn luyện không có gì là bất ngờ. Theo RIA Novosti, Mỹ đứng sau một loạt cuộc cách mạng màu trên thế giới như “Cách mạng Hoa hồng” tại Gruzia, “Cách mạng Cam” ở Ukraine, “Cách mạng Tulip” trong Kyrgyzstan, “mùa xuân Ả Rập” ở Trung Đông. Tờ báo cho rằng các cuộc cách mạng này chỉ khác nhau tên gọi còn bản chất của chúng không thay đổi.
 

Sơn Hải

.