Số người chết trong trận động đất ở Nepal đã lên đến hơn 2.500 người, số người bị thương hơn 6.000 và được dự báo tiếp tục tăng lên. 
 
Đội cứu hộ cứu các nạn nhân sống sót ra khỏi đống đổ nát sau động đất - Ảnh: AFP
Đội cứu hộ cứu các nạn nhân sống sót ra khỏi đống đổ nát sau động đất - Ảnh: AFP
 
Thông qua nhiều nguồn tin và kênh liên lạc, phóng viên Tuổi Trẻ đã cập nhật và ghi nhận tình hình người Việt cũng như du khách Việt đang ở Nepal. Hiện chưa có thông tin người Việt thương vong.
 
Đêm 25 rạng sáng 26-4 có lẽ là một đêm khó ngủ đối với chị Võ Thị Kim Cương (thường gọi là Út), chủ chuỗi nhà hàng Việt Nam ở thủ đô Kathmandu.
 
Chị và người thân không dám vào nhà ngủ do vẫn còn nhiều dư chấn mạnh sau trận động đất kinh hoàng hôm 25-4.
 
Mọi người phải ngủ ngoài mái hiên hướng ra vườn để lỡ có chuyện gì thì chạy ra vườn cho nhanh. Tuy nhiên, mọi người đã không thể ngủ ngon.
 
Màn trời chiếu đất cũng không yên
 
Chị Út kể lại với phóng viên Tuổi Trẻ: “Tối qua (đêm 25 rạng sáng 26-4) có khoảng 15 dư chấn. Có trận rất mạnh. Mỗi lần có rung động là mọi người hoảng hốt tung mền ra chạy. Tình trạng như vậy cứ xảy ra nguyên cả đêm”.
 
Tuy nhiên, chị Út vẫn còn may mắn là nhà cửa còn nguyên vẹn và còn có mái hiên để trú tạm. Nhiều người dân ở Kathmandu hiện nay phải sống cảnh màn trời chiếu đất.
 
“Nhà tôi còn đỡ chứ nhiều người Nepal tội lắm, không mền không chiếu. Mà trời Nepal đêm qua thì lạnh, chỉ khoảng 12 độ” - chị Út cho hay.
 
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Prabal Saakha - một doanh nhân ở Kathmandu - nói cả ngày anh vẫn cảm thấy có nhiều dư chấn. Trường học, hàng quán vẫn đóng cửa.
 
“Mọi hoạt động thường nhật đều ngưng lại hết. Chẳng ai dám vào nhà trong lúc này. Hầu hết mọi người đều trú tạm trong lều hoặc bất cứ thứ gì họ có thể xoay xở được” - Prabal nói.
 
Chị Út cho biết chị cũng đang lo sợ cho tài sản nhà hàng của mình trong trường hợp xảy ra hôi của. “Trên đài có kêu gọi mọi người không hôi của mà hãy cùng chung tay vượt qua thảm họa” - chị kể.
 
Trưa 26-4, chị Út đã tìm cách ra sân bay để về Việt Nam. Một ngày trước đó, theo kế hoạch, chị sẽ đáp chuyến bay về Việt Nam nhưng do tình hình động đất và sân bay đóng cửa nên chị không thể về.
 
“Tôi cố ra sân bay xem có về được không. Sân bay rất hỗn loạn. Kẻ đứng người ngồi đợi thông tin về các chuyến bay” - chị Út kể và nói thêm chị phải vật vã xô đẩy chen lấn mãi mới vào được bên trong sảnh.
 
Lo cho người leo núi Himalaya
 
Nhà thiết kế áo cưới Lek Chi (tên thật là Lê Kim Chi) cho Tuổi Trẻ biết sáng 25-4 chị vừa rời khỏi Kathmandu lúc 9g sáng thì 11g động đất xảy ra.
 
“Theo tôi biết có ba nhóm du khách Việt. Một nhóm đến Pokhara từ chiều 25-4 trước nhóm của tôi. Một nhóm hai bạn gái người Việt vẫn đang ở Kathmandu và một nhóm tôi biết là đã rời Kathmandu sáng 26-4” - chị Chi cho hay và nói thêm giao thông đang ùn tắc hàng kilômet.
 
Chị Chi kể: “Trên đường đi chúng tôi rất căng thẳng vì đường sá bị lở đất và đá liên tục, khá nguy hiểm”.
 
Một nữ du khách trẻ người Việt đang trên đường leo núi trên dãy Himalaya nói với Tuổi Trẻ hiện cô và nhóm bạn 20 người Việt khác đang an toàn và không có mặt ở khu vực bị lở tuyết do động đất.
 
Nữ du khách muốn giấu tên này nói cô nghe tin một số nhóm khác đang ở Pokhara cũng an toàn. Cô nói cô và nhóm bạn đang leo núi đến Everest Base Camp (nơi dân leo núi thường cắm trại lại để ngắm đỉnh Everest) nhưng chưa đến nơi thì xảy ra động đất.
 
“Ai leo lên Everest Base Camp cách đây 2-3 ngày có thể gặp nguy hiểm vì lở tuyết” - cô cho biết và thông báo hôm nay (27-4) sẽ quay về Kathmandu.
 
Hiện tình hình lở tuyết trên dãy Himalaya do động đất gây ra cũng rất nghiêm trọng. Reuters dẫn nhiều nguồn tin từ Everest Base Camp nói các dư chấn đã gây ra ít nhất ba trận lở tuyết.
 
Thông tin ban đầu nói 18 thi thể đã được đưa ra khỏi đống tuyết và 61 người leo núi bị thương.
 
Trong số những người thiệt mạng có một lãnh đạo của Google là Dan Fredinburg (người Mỹ). Ông này bị chấn thương ở đầu trong lúc xảy ra lở tuyết.
 
Số khác an toàn và đã được cứu. Một số bị mắc kẹt và đang chờ được cứu.
 
Reuters cho hay trong số các trận dư chấn xảy ra hôm qua 26-4, có trận mạnh tới 6,7 độ Richter. Không chỉ ở Nepal, tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ), người ta cũng cảm nhận được các dư chấn mạnh. Trao đổi với Tuổi Trẻ, chị Nguyễn Thị Thanh Nga - nhân viên một tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc đang đi công tác tại New Delhi - cho biết trưa 26-4 khách sạn nơi chị đang ở rung lắc.
 
Ở tầng 11 của khách sạn, chị Nga nói đồ vật đung đưa và va đập lách cách. Giới chức Ấn Độ cho biết số người nước này chết vì động đất hôm 25-4 là 53 người, chủ yếu ở bang Bihar gần Nepal.
 
Số người chết ở vùng Tây Tạng của Trung Quốc được ghi nhận là 17 người.
 
Một người dân Nepal khóc khi đi ngang qua đống đổ nát ở Bhaktapur sau động đất - Ảnh: Reuters
Một người dân Nepal khóc khi đi ngang qua đống đổ nát ở Bhaktapur sau động đất - Ảnh: Reuters
 
Quốc tế trợ giúp
 
Hiện Chính phủ Nepal đang kêu gọi các nước cứu trợ để khắc phục hậu quả trận động đất kinh hoàng tại nước này trong 81 năm qua.
 
Những nhân viên cứu hộ vẫn đang miệt mài dùng tay để đào bới đống đổ nát tìm người sống sót.
 
Bộ trưởng thông tin Nepal Minendra Rijal cho biết nước này đã mở một chiến dịch cứu hộ lớn cùng các kế hoạch khắc phục hậu quả.
 
“Có rất nhiều thứ cần phải làm. Đất nước tôi đang trong tình trạng khủng hoảng và chúng tôi mong nhận được hỗ trợ để vượt qua thảm họa” - ông nói.
 
Theo Reuters, các bệnh viện trên khắp Nepal đang chật vật cứu chữa những người bị thương. Việc thiếu các thiết bị hiện đại cũng khiến công tác tìm kiếm cứu hộ gặp khó khăn.
 
Việc tìm kiếm dường như không thể đào bới sâu hơn bề mặt của đống đổ nát. Nhân viên Bệnh viện Bhaktapur là Ramesh Pohkarel nói: “Mọi thứ rất hỗn loạn”.
 
Ấn Độ là nước đầu tiên đáp lại lời kêu gọi giúp đỡ. New Delhi đã đưa máy bay quân sự chở theo đội khắc phục hậu quả cùng các thiết bị y tế.
 
Các tổ chức nhân đạo khác nói đã sẵn sàng đến Nepal, đem theo nước sạch, đồ vệ sinh và thực phẩm trong khi Mỹ, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Na Uy, Singapore, Úc, New Zealand, Sri Lanka và Pakistan cũng nói viện trợ và giúp đỡ.
 
Trung Quốc cũng cử đội cứu hộ và chó nghiệp vụ đến Nepal. Trận động đất tồi tệ nhất xảy ra ở Nepal vào năm 1934 khiến hơn 8.500 người chết.
 
Vào năm 1988, trận động đất mạnh 6,8 độ Richter ở phía đông Nepal cũng khiến 721 người thiệt mạng.
 
Trên mạng xã hội Facebook, một trang thông tin về trận động đất tại Nepal lập ra, trong đó những người đang ở vùng ảnh hưởng động đất hoặc những người đang đi đến khu vực này có thể tự đánh dấu rằng mình đã an toàn.
 
Những ai biết bạn bè mình cũng an toàn sau thảm họa có thể đánh dấu giúp họ.
 
Thông tin này sẽ được thông báo cho bạn bè, người thân của những người ở vùng động đất qua Facebook để mọi người có thể yên tâm.
 
Theo Tuổi trẻ