Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Đối thoại Shangri-La 2019 và trên trang mạng cá nhân ngày 31/5 đã có phát ngôn, bài viết gây bất bình với nội dung cho rằng Việt Nam đã “xâm lược”, “chiếm đóng” Campuchia. Trước thông tin này, chính giới và dư luận Campuchia đã lên tiếng bày tỏ sự không đồng tình.

leftcenterrightdel
 Bài đăng của Thủ tướng Hun Sen phê phán phát ngôn của ông Lý Hiển Long trên Facebook.

“Tuyên bố của ông (Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long) là một sự xúc phạm đến sự hy sinh quân tình nguyện Việt Nam – những người đã giúp giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng”, Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 6/6 chính thức lên tiếng về phát ngôn của Thủ tướng Singapore.

Theo nhà lãnh đạo Campuchia, bình luận của ông Lý Hiển Long đã phản ánh rõ ràng vị trí của Singapore vào thời điểm đó, khi mà người dân Campuchia đang đối mặt với những kẻ diệt chủng tàn ác.

Trong nhiều phát biểu về sự giúp đỡ hiệu quả về quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam những năm qua, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhấn mạnh sự giúp đỡ đó là nhân tố quan trọng để Campuchia lật đổ chế độ Khmer Đỏ. Đó cũng chính là hành động giải phóng người dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng.

“Chúng ta có thể hỏi rằng trên thế giới này, có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn cản sự quay lại của chúng? Câu trả lời chính là nhân dân và quân đội Việt Nam.

Nhân dân Campuchia có niềm tin, chỉ có tiên, có Phật mới cứu giúp được những phận người khi gặp khó khăn khốn cùng. Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu tiên, Phật tới cứu thì bộ đội tình nguyện Việt Nam xuất hiện.

Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật”, Thủ tướng Hun Sen khẳng định như vậy khi dự Lễ khánh thành Khu di tích lịch sử địa điểm thành lập Đoàn 125 tại Đồng Nai, tháng 1-2012.

leftcenterrightdel
 Nạn nhân chế độ diệt chủng Pol Pot

Trước các tuyên bố của Thủ tướng Hun Sen, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh, người cũng tham dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore và trực tiếp nghe phát ngôn của Thủ tướng Lý Hiển Long, ngày 3/6 nhấn mạnh: “Ông ấy đã không nói sự thật và phát ngôn của ông ấy không phản ánh đúng lịch sử. Thật là sai lầm khi ông ấy nói quân đội Việt Nam xâm lược Campuchia”.

Trong bài phỏng vấn trên tờ Khmer Times, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh cũng đề nghị Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sớm cải chính tuyên bố của mình. “Điều đó là không đúng sự thật”, ông Tea Banh nói thêm về phát ngôn của Thủ tướng Singapore.

Cùng quan điểm rằng sự thật lịch sử phải được tôn trọng, đại biểu Quốc hội Campuchia, ông Hun Many cho biết ông “bất ngờ” trước phát ngôn của Thủ tướng Singapore.

Nghị sĩ Hun Many cho hay, các tội ác chống lại loài người, đặc biệt là tội diệt chủng do chế độ diệt chủng Pol Pot-Khmer Đỏ gây ra không thể bị lãng quên. Gần 3 triệu người vô tội đã chết dưới bàn tay Khmer Đỏ trong 3 năm, 8 tháng, 20 ngày do thế giới khi đó nhắm mắt làm ngơ với Campuchia.

leftcenterrightdel
Ngày 6/6/2019, tờ báo điện tử “The Online Citizen” của Singapore đã đăng bài của tác giả Brad Bowyer nêu quan điểm đối với vụ đương kim Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu không chuẩn về vấn đề Khmer Đỏ và vai trò của Việt Nam tại Campuchia vào năm 1979 và thập niên 1980. 

“Trong khi các bên chơi trò chính trị, người dân Campuchia lại đang cầu cứu giúp đỡ. Chúng tôi muốn được cứu thoát khỏi họa diệt chủng Khmer Đỏ, không quan trọng sự giúp đỡ đó đến từ ai và từ đâu”, ông Hun Many nói.

“Sự giải cứu đó đã đến từ Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) với sự trợ giúp của đất nước Việt Nam láng giềng của chúng tôi”, ông Hun Many nhấn mạnh thêm.

Từ phía dư luận, các tờ báo, mạng xã hội Campuchia đều đang “dậy sóng” trước phát ngôn của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long về cuộc kháng chiến đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ của quân và dân Campuchia, với sự giúp sức của các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam.

“Tuyên bố của ông Lý Hiển Long cho rằng đây là cuộc chiến tranh xâm lược của Việt Nam là một phát ngôn sai lầm. Điều này khiến chúng tôi, thế hệ trẻ Campuchia cảm thấy bị xúc phạm”, bình luận của một người trẻ Campuchia trên Facebook của Thủ tướng Lý có đoạn viết.

leftcenterrightdel
Người dân Campuchia đứng hai bên đường vẫy chào, chia tay quân tình nguyện Việt Nam về nước năm 1989. 

Các ý kiến khác đa phần cũng cho rằng việc ông Lý khơi lại lịch sử đau thương với một phát ngôn không phản ánh đúng thực tế lịch sử là không phù hợp. Điều này không những khiến người dân hai nước Việt Nam – Campuchia tức giận, mà có thể gây hiềm khích giữa các nước trong khối.

 Chiều 6/6 tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết, Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan liên quan đã giao thiệp chính thức và không chính thức với đối tác Singapore. Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi tới Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội. "Tôi tin rằng phía Singapore hiểu rõ thông điệp của chúng ta”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh. Hôm 4/6, trong phát ngôn chính thức khác, bà Hằng nhấn mạnh: “Đóng góp và hy sinh của Việt Nam trong việc cùng nhân dân Campuchia chấm dứt tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ là sự thật đã được thừa nhận rộng rãi".

 

Thái An