|
|
Singapore là chủ nhà của một loại hội nghị cấp cao ASEAN từ ngày 13-15/11/2018. Ảnh: The Strait Times |
Việc Singapore đăng cai Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), Hội nghị cấp cao ASEAN và các đối tác đối thoại một lần nữa chứng tỏ vị thế ngày càng tăng của khối này trên bản đồ địa chính trị thế giới.
Tuy nhiên, ASEAN cũng sẽ phải đối diện với một thách thức lớn đó là trở thành “mặt trận” tranh giành ảnh hưởng của các nước ngoài khu vực như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga… Giới chuyên gia dự đoán ASEAN có thể sẽ ở thế “khó xử” giữa chiến lược “xoay trục sang châu Á” của Nga và chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ, hoặc thậm chí là kẹt giữa bàn cờ địa chiến lược của cả Mỹ-Nga-Trung Quốc.
Hội nghị cấp cao ASEAN 33 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Singapore năm nay có nét khác biệt. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự hội nghị kể từ khi nước này trở thành một thành viên chính thức của diễn đàn Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) vào năm 2011, bất chấp vị thế ngày càng quan trọng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại của Điện Kremlin.
|
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Ảnh: Sputnik |
Bên cạnh đó, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á 2018 tại Singapore sẽ không có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Giới quan sát cho rằng nhiều khả năng nhà lãnh đạo Nga sẽ là vị khách được chờ đợi nhất tại hội nghị lần này, cùng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Sự kiện Tổng thống Putin lần đầu tiên dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, cùng với sự vắng mặt của các nhà lãnh đạo Donald Trump và Tập Cận Bình, sẽ đưa nhà lãnh đạo Nga vào vị thế “ngôi sao” của hội nghị và tạo điều kiện để ông Putin chứng minh chính sách “xoay trục sang châu Á” của Moskva sẽ là xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp hơn với ASEAN, Nhật Bản, Ấn Độ ngang bằng với chiến lược của nước này với Trung Quốc.
Sau 4 năm căng thẳng với phương Tây và Mỹ liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Putin bắt đầu hướng Đông và quay sang châu Á. Từ đầu năm nay, ông Putin liên tục công du, ký kết các thỏa thuận hợp tác kinh tế và chính trị, nhất là với Trung Quốc và Ấn Độ. Nhà lãnh đạo Nga cũng nỗ lực cải thiện quan hệ với Nhật Bản mà cuộc gặp cấp cao mới đây với Thủ tướng Abe là một minh chứng. Chuyến đi Singapore lần này, nơi ông Putin cũng thực hiện một chuyến thăm cấp nhà nước tới “đảo quốc sư tử”, chính là động thái nhằm hiện thực hóa chiến lược “xoay trục sang châu Á” của Nga. Giới quan sát đánh giá ASEAN sẽ có một vị thế quan trọng hơn trong chính sách đối ngoại của Điện Kremlin thời gian tới.
Tuần lễ các hội nghị cấp cao ASEAN tại Singapore năm nay có điều đặc biệt nữa đó là Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không tham dự. Thay vào đó, ông cử Phó Tổng thống Mike Pence đại diện. Giới quan sát cho rằng sự vắng bóng của ông chủ Nhà Trắng tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) không phải là một tín hiệu cho thấy Washington giảm sự quan tâm tới khu vực hay ASEAN không còn là ưu tiên lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Việc nhà lãnh đạo Mỹ không tới Singapore có thể hiểu rằng ông đang muốn tập trung ưu tiên cho mặt trận đối nội nhiều hơn vào thời điểm này, nơi Tổng thống Trump vừa phải hứng chịu một tổn thất chính trị to lớn khi đảng Cộng hòa của ông để mất quyền kiểm soát Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 6/11 vừa qua vào tay phe Dân chủ.
|
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Mike Pence. Ảnh: CNN |
Tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á 2018, Phó Tổng thống Pence cũng là một nhân tố mới mẻ với ASEAN. Giới quan sát chờ đợi ông Pence sẽ tái khẳng định chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Washington. Hồi tháng 8, Đại sứ Piper Campbell, Đại biện lâm thời của Phái bộ ngoại giao Mỹ tại ASEAN, đã nhấn mạnh cam kết của Washington trong việc đảm bảo an ninh, hợp tác và thịnh vượng trong khu vực thông qua Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng công bố sáng kiến Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEV), một chiến lược dường như nhằm cạnh tranh với sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc. Dù chi tiết về chiến lược khung Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ hiện chưa rõ ràng nhưng bước đi này đánh dấu sự “xoay trục 2.0” của Washington sang châu Á-Thái Bình Dương với ASEAN là một trọng tâm.
Chiến lược của Mỹ đối với Đông Nam Á từ xưa đến nay vẫn xoay quanh hai yếu tố cốt lõi: “lợi ích” và “cạnh tranh”. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, hai yếu tố này ngày càng khó tách bạch do sự can dự mạnh mẽ của Trung Quốc. Không quá khi nói rằng chủ trương “trung lập”, đa phương hóa-đa dạng hóa các mối quan hệ của ASEAN đang bị thách thức. Trong bối cảnh đó, các nước ASEAN cần sớm định hình chiến lược xoay sở giữa Mỹ và Trung Quốc, nhất là khi hai cường quốc này ngày càng leo thang xung đột lợi ích.
Đối với Trung Quốc, việc Chủ tịch Tập Cận Bình không tham dự các hội nghị cấp cao với ASEAN tại Singapore tuần này có vẻ báo hiệu những khó khăn cho Bắc Kinh. Ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, ngày 12/11, các bộ trưởng thương mại của 16 nước tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), sáng kiến không có Mỹ tham gia và được Trung Quốc hết mình ủng hộ, đã không đạt được đồng thuận về các điều khoản then chốt trong hiệp định, theo đó các bên nhất trí lùi thời hạn hoàn tất đàm phán sang năm 2019.
|
|
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ dự các hội nghị cấp cao với ASEAN tại Singapore. Ảnh: SCMP |
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dự kiến sẽ nỗ lực thúc đẩy RCEP và kêu gọi các nền kinh tế khu vực ủng hộ sáng kiến này. Phát biểu trước báo giới ngày 8/11, Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Trần Hiểu Đông (Chen Xiaodong) nói rằng "rất quan trọng để tăng cường hợp tác khu vực, đối phó với chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ, thúc đẩy một hệ thống thương mại quốc tế mở, đa dạng và dựa trên luật lệ”.
Mỹ quyết tâm thúc đẩy IPEV và ngăn chặn RCEP, trong khi Trung Quốc tiếp tục đặt nhiều tham vọng vào sáng kiến “Vành đai, Con đường” và RCEP. Cạnh tranh giữa hai cường quốc lớn này có nguy cơ ngày càng leo thang. Bên cạnh đó, Nga sau một thời gian lãng quên cũng đã bắt đầu “trở lại” với chiến lược “xoay trục sang châu Á”. Điểm đến chung của ba cường quốc đều là ASEAN. Tình hình hiện nay đặt ra cho tổ chức khu vực này một thách thức không hề nhỏ đó là vừa giữ vững vị thế của mình trên bàn cờ Trung-Nga-Mỹ, vừa phải dung hòa và thúc đẩy được hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở Đông Nam Á.
Theo Thanh Tuấn/Báo Tin tức