(BVPL) - Khi mới vào Việt Nam, taxi phi truyền thống (Grab, Uber) cạnh tranh các hãng taxi truyền thống bằng giá cước rẻ để thu hút người tiêu dùng. Nhưng trong thời gian qua, giá xăng giảm mạnh thì Grab, Uber lại tăng giá cước. Vì sao lại có chuyện phi lý như vậy?
 
Đây là các loại taxi núp dưới danh nghĩa “xe hợp đồng”, sử dụng các ứng dụng của Uber và Grab trên thiết bị thông minh để vận hành. Tình trạng này đã khiến lượng taxi thực tế của Hà Nội đạt trên 26.000 xe, vượt qua con số giới hạn 25.000 xe theo đề án quy hoạch đến năm 2020.
 
Điều đó cũng giải đáp toàn bộ nghi vấn mà giới chuyên gia từng đặt ra: Taxi phi truyền thống góp phần giảm ùn tắc giao thông hay lại khiến giao thông thêm hỗn độn ở các thành phố lớn?
 
Và việc những xe taxi núp bóng “xe hợp đồng” đã khẳng định rõ việc “quan tâm” đến bài toán giải quyết ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn chỉ là chiêu trò nâng cao uy tín của những kẻ “du nhập”!
 
Thực trạng hiện tại ở Hà Nội cũng là thực trạng chung ở các thành phố lớn trong cả nước có sự xuất hiện của taxi kiểu mới. Điều đó đang tạo nên một yêu cầu cấp thiết và cũng là thách thức trong việc kiểm soát, quản lý taxi phi truyền thống.
 
Làm sao để có sự hài hòa giữa hai loại hình taxi cũng như tạo một cơ chế cạnh tranh công bằng chính là vấn đề cốt lõi đặt ra với cơ quan quản lý. Tiếp nhận cái mới chính là sự thay đổi về tư duy để phát triển. Nhưng việc chấp thuận cái mới đó cần được dựa trên nền tảng kế thừa từ những cái cũ.
 
Theo giám đốc một hãng taxi truyền thống tại TP.HCM, mỗi khi muốn điều chỉnh giá, các hãng phải họp bàn nhiều lần mới thống nhất rồi chờ Sở Công thương và Sở Giao thông vận tải cho phép mới được áp dụng. Chưa kể các hãng lớn phải tốn thời gian, tiền tỷ để thay phù hiệu, chỉnh lại đồng hồ tính cước. Trong khi đó, các hãng Grab và Uber chỉ cần cập nhật phần mềm là xong.
 
Thanh Phương
.