Thưởng Tết ngân hàng: Nơi cao ngất trăm triệu, chỗ thấp thỏm trắng tay
Cập nhật lúc 15:51, Thứ năm, 05/02/2015 (GMT+7)
Mức thưởng Tết trung bình tại một ngân hàng quốc doanh lớn khoảng 60-120 triệu đồng/tháng, còn tại một số nhà băng nhỏ gặp biến cố lớn trong năm 2014 mức thưởng lại rất hẻo, thậm chí bằng 0.
“Sếp chi nhánh chỉ bật mí thưởng Tết năm nay sẽ cao hơn năm ngoái, nhưng mức thưởng cụ thể bao nhiêu thì phải tuần cuối cùng trước khi nghỉ Tết mới có thông tin chính thức” – chị Nhung bày tỏ.
Cũng trong tình cảnh ngóng chờ thưởng Tết, chị Minh Châu – nhân viên tín dụng Ngân hàng Quân đội (MB) cho hay, dù chưa được thông báo mức thưởng Tết Âm lịch nhưng với nhân viên tín dụng thì mức thưởng sẽ phụ thuộc vào kết quả kinh doanh trong năm. “Thưởng Tết Dương lịch ngoài lương ra thì tài khoản cũng “ting ting” thêm 3 lần nữa. Còn Tết Âm lịch thì thấy bảo phải tuần sát Tết các sếp mới chốt”- Châu nói.
"Nhận được tiền thưởng cao thì cũng thích thật nhưng nghĩ đến những lúc vừa phải làm nghiệp vụ, vừa phải đối mặt với khách hàng, trình lên trình xuống hồ sơ mới được phê duyệt. Chưa kể, phải lê la từ sàn này sang showroom nọ thì chỗ tiền ấy cũng chưa đủ để giữ chân", cô nói.
Điều khiến những nhân viên kinh doanh như Châu cảm thấy yêu nghề hơn và quên đi sự vất vả chủ yếu là chế độ tốt, môi trường tốt, sếp tâm lý và luôn động viên nhân viên kịp thời.
Trong khi đa số nhân viên ngân hàng đều trong tâm lý sốt ruột chờ thưởng Tết thì cũng đã có những ngân hàng đầu tiên hé lộ mức thưởng. Với những nhà băng thông báo mức thưởng Tết sớm cũng tạo tâm lý bớt căng thẳng, chờ đợi thấp thỏm cho nhân viên. Chưa kể, ở hầu hết số ngân hàng này mức thưởng khá cao, dao động 2-5 tháng lương.
Không đánh đồng mức thưởng chung cho tất cả cán bộ nhân viên, Ngân hàng SHB chia mức thưởng Tết theo “bậc xếp hạng”. Nếu thưởng Tết Dương lịch mỗi cán bộ ngân hàng này được nhận đồng đều 2 tháng lương thì mức thưởng Tết Âm lịch lại được chia theo “bậc xếp hạng”. Nhân viên sẽ được phân loại xếp hạng A đến D, mỗi bậc chênh nhau 0,5-1 tháng lương. Và mức thưởng lương cao nhất đối với bậc A là 3 tháng lương. Đơn cử, với nhân viên bộ phận truyền thông thương hiệu lương trung bình tháng 8-9 triệu đồng thì mức thưởng Tết nếu được xếp bậc A sẽ rơi vào khoảng 24-27 triệu đồng/người.
Hay như tại Techcombank, nhân viên làm việc tại hội sở ngoài tiền lương tháng thứ 13, mỗi cán bộ sẽ được nhận thêm 4 tháng lương. Còn tại các chi nhánh, mức thưởng sẽ được tính dựa trên chỉ tiêu, lợi nhuận hoàn thành trong năm.
Là một trong số nhà băng báo lãi “khủng” trong năm 2014 đạt gần 5.700 tỷ đồng, Vietcombank đang được nhắc tới là ngân hàng có mức thưởng Tết hậu hĩnh nhất hiện nay. Ngoài lương tháng thứ 13, mỗi cán bộ làm việc tại hội sở và các chi nhánh hoàn thành chỉ tiêu sẽ được lĩnh thêm 5 tháng lương.
Chưa đưa ra con số lương bình quân cả năm 2014, nhưng với số liệu bình quân của 6 tháng đầu năm mỗi cán bộ Vietcombank lĩnh 20,11 triệu đồng/tháng thì mỗi nhân viên Vietcombank sẽ được hưởng mức thưởng trung bình 120 triệu đồng/người.
Với chi nhánh không hoàn thành chỉ tiêu mức thưởng Tết rơi vào khoảng 2-3 tháng (chưa bao gồm tháng lương thứ 13). Ở các chi nhánh này, mức thưởng bình quân của mỗi cán bộ dao động từ 60-80 triệu đồng/người.
Tuy nhiên, trong lúc bạn bè làm việc tại các ngân hàng khác hồ hởi vì được nhận thưởng thì chị Hà – làm việc tại một chi nhánh OceanBank lại tiu ngỉu. Ngân hàng Hà làm việc hơn 3 năm qua gặp nhiều biến cố lớn trong năm 2014, khi cả dàn lãnh đạo cấp cao rơi vào vòng lao lý.
“Sau sự cố của ngân hàng bọn mình còn bị giảm lương thì việc nghĩ tới thưởng Tết là điều không tưởng” – chị Hà buồn rầu.
Không chỉ nhân viên của OceanBank không có tâm lý chờ đợi thưởng Tết mà tâm trạng này có lẽ cũng là tâm trạng chung của nhân viên Ngân hàng Xây dựng (VNBC) khi ngoài chuyện ngân hàng gặp biến cố khi lãnh đạo cấp cao bị bắt thì Ngân hàng Nhà nước cũng vừa tuyên bố mua lại nhà băng này với giá 0 đồng/1 cổ phần.
Theo infonet
.