Trong khi lao động trong các ngành nông, lâm, thủy sản thuộc nhóm lao động có mức lương bình quân thấp nhất (2,62 triệu đồng/tháng) thì ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm có mức lương 7,23 triệu/tháng.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền: Việt Nam đã và đang thực hiện công cuộc đổi mới, cải cách mạnh mẽ và hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Trong cơ chế, chính sách tiền lương để phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và hội nhập sâu, rộng vào kinh tế khu vực toàn cầu, kết quả đổi mới đó đã góp phần thực hiện tiêu chuẩn lao động, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các bên, nâng cao đời sống của người lao động.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thẳng thắn chỉ ra những thách thức trong chính sách lương hiện nay: Vấn đề năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chưa cao, năng suất lao động của người lao động còn thấp, các vấn đề tiền lương và đời sống người lao động còn nhiều khó khăn.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tại Việt Nam, chỉ khoảng 1/3 dân số lao động có việc làm là được hưởng lương - nguồn thu nhập chính. Tỷ lệ này khá thấp so với trung bình trên thế giới (khoảng hơn 50%).
Tuy nhiên, Việt Nam sẽ chóng thu hẹp khoảng cách này với thế giới bởi tỷ lệ lao động làm công ăn lương trên tổng số lao động có việc làm được dự báo là sẽ tăng nhanh trong những thập niên tới.
Báo cáo của ILO cho thấy, lao động ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có mức lương cao nhất với 7,23 triệu đồng/tháng.
Theo điều tra Lực lượng lao động năm 2013, ngành hoạt động chuyên môn, khoa học, công nghệ và hoạt động kinh doanh bất động sản cũng là các ngành trong nhóm có mức lương bình quân hàng tháng cao nhất, tương ứng là 6,53 triệu đồng/tháng và 6,4 triệu đồng/tháng.
Trong khi các ngành Nông nghiệp chiếm khoảng một nửa lực lượng lao động nhưng tỷ lệ lao động làm công ăn lương của ngành này chỉ chiếm hơn 10% trong tổng số lao động làm công ăn lương ở Việt Nam.
Lao động trong nhóm ngành nông, lâm, thủy sản cũng thuộc nhóm lao động có mức lương bình quân hàng tháng thấp nhất - 2,63 triệu đồng/ tháng.
Mặc dù tỷ lệ chênh lệch lương theo giới ở Việt Nam chỉ ở mức chưa đến 10%, nhưng đối với ngành nông nghiệp - ngành có mức lương rất thấp, con số này là 32%. Đây là mức chênh lệch lớn nhất so với tất cả các ngành.
Đáng nói, trong hai ngành có mức lương cao nhất - ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, và ngành hoạt động chuyên môn, khoa học, công nghệ, lao động nữ lại được trả lương cao hơn nam giới một chút, tương ứng ở mức 3,4% và 1,4%.
Đại diện ILO tại Việt Nam cho biết những thách thức được đặt ra với Việt Nam hiện nay là: Tác động của lương tối thiểu đối với doanh nghiệp, xác định lương tối thiểu đối với doanh nghiệp, vấn đề thỏa ước lao động ... Đây là những vấn đề cần được bàn thảo và từng bước xây dựng thành chính sách để đi vào đời sống thực tế.
Theo Infonet