Ngày 8/7, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo Hội nghị tổng kết thực hiện Chỉ thị 57-CT/TW của Bộ Chính trị về củng cố hoàn thiện hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân và khai trương hoạt động Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank). Cả hai sự kiện này đều diễn ra vào ngày 9/7 tại Hà Nội.

 


Co-op Bank được chuyển đổi từ Quỹ tín dụng Nhân dân Trung ương với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, thực hiện các nghiệp vụ như những ngân hàng thương mại khác.

Co-op Bank mở tài khoản tiền gửi cho các thành viên là Quỹ tín dụng nhân dân; nhận tiền gửi, cho vay điều hòa vốn đối với các Quỹ tín dụng nhân dân thành viên; xây dựng, phát triển và ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ mới trong hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân thành viên đáp ứng nhu cầu của các thành viên Quỹ tín dụng nhân dân và phục vụ phát triển lợi ích cộng đồng trên địa bàn sau khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép.

Ngoài ra, ngân hàng cũng nhận tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi thanh toán và các loại tiền gửi khác của các tổ chức và cá nhân; cho vay đối với khách hàng không phải là Quỹ tín dụng nhân dân thành viên...

Chủ tịch Hội đồng quản trị Coop Bank Trần Quang Khánh cũng lý giải về việc Co-op Bank được hoạt động các nghiệp vụ huy động-cho vay với các tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của Quỹ tín dụng nhân dân.

Ông Khánh cho biết, hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân có đặc tính mùa vụ rất lớn và điều này khiến đôi lúc xảy ra tình trạng quá thiếu vốn hoặc ứ vốn. "Có thời điểm hơn 1.000 quỹ tín dụng nhân dân cùng thiếu vốn. Nhưng đến khi bà con thu hoạch, họ có thu nhập thì các quỹ lại cùng rơi vào tình trạng tạm thời dư thừa vốn nhàn rỗi," ông Khánh dẫn chứng.

Ông Khánh cũng khẳng định đây sẽ là ngân hàng của tất cả các quỹ tín dụng nhân dân, có chức năng điều hòa vốn cho toàn bộ hệ thống các quỹ tín dụng trên cả nước. "Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam sẽ là tổ chức đầu mối, chịu trách nhiệm trước Ngân hàng Nhà nước trong đảm bảo hỗ trợ và kiểm tra giám sát hoạt động đối với quỹ tín dụng nhân dân," ông Khánh cho biết thêm.

Ngân hàng Nhà nước vừa đề nghị Quốc hội giảm 50% thuế cho Co-op Bank. Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, đây là loại hình hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà chủ yếu là tương trợ giúp đỡ thành viên và tạo điều kiện cho việc cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng là hợp tác xã.

Chủ tịch Coop Bank cho biết, hiện Quỹ tín dụng Nhân dân Trung ương vẫn phải nộp mức thuế suất như các ngân hàng thương mại khác.

Sau hơn 12 năm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 57, hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân đã có bước phát triển mới về chất lượng và quy mô hoạt động cũng như tiếp tục hoàn thiện về mô hình tổ chức liên kết.

Đánh giá về kết quả đạt được của Quỹ này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, mô hình tổ chức hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân đã được hoàn thiện một bước cơ bản, khắc phục được mối liên kết lỏng lẻo của mô hình 3 cấp, mạng lưới Quỹ Tín dụng Trung ương được mở rộng, tiếp cận gần hơn các Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở để tăng cường khả năng điều hòa vốn nội bộ, hỗ trợ, phục vụ thành viên./.

Tính đến 31/12/2012, Quỹ tín dụng Trung ương gồm Hội sở chính tại Hà Nội và 26 Chi nhánh, gần 70 Phòng giao dịch. Năm 2001 chỉ có 110 tỷ đồng vốn điều lệ, đến nay vốn điều lệ của Quỹ là 2.034 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay của Qũy này là 11.132,9 tỷ đồng, tăng hơn 15 lần so với năm 2001. Lợi nhuận trước thuế là 190,5 tỷ đồng.

Đối với Quỹ tín dụng nhân dân, tính đến 31/12/2012 có 1.132 Quỹ cơ sở, chỉ tăng 18% so với năm 2000 (là thời điểm bắt đầu triển khai Chỉ thị 57) nhưng tổng nguồn vốn hoạt động vẫn tăng trưởng mạnh mẽ liên tục qua các năm và hiện đạt 44.776 tỷ đồng, tăng gần 17 lần so với năm 2000; trong đó vốn điều lệ là 1.728 tỷ đồng, tăng 10 lần so với năm 2000; vốn huy động là 35.499 tỷ đồng, tăng 20,7 lần so với năm 2000; vốn đi vay là 4.522 tỷ đồng, tăng 8,5 lần so với năm 2000.
 

Theo Minh Thúy
TTXVN

.