Trong gần 13 năm vốn vàng tồn tại với hệ thống ngân hàng dưới dạng huy động và cho vay, 5 năm về cuối là quãng nhức nhối nhất, nhiều rủi ro nhất, để rồi phải dứt điểm cắt bỏ.


Rủi ro chính sách?

Có câu hỏi đến lúc này vẫn cần được xem xét: nếu Chính phủ không có chủ trương, Ngân hàng Nhà nước không ngừng huy động và cho vay vàng, các vòng quay vẫn diễn ra thì liệu các ngân hàng có bị lỗ như trên không, thậm chí vẫn tiếp tục có lãi như giai đoạn 2008 - 2010? Hay, lỗ từ vàng như trên một phần do rủi ro chính sách?

Có lẽ có những câu trả lời khác nhau từ các phía. Còn nhìn lại tiến trình, việc loại bỏ vốn vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng đã có một khoảng thời gian đủ dài, có lộ trình cụ thể để các ngân hàng tính toán ứng xử. Và thực tế nhiều lần Ngân hàng Nhà nước đã phải nhượng bộ.

Đầu năm 2010, Chính phủ có định hướng tăng cường quản lý thị trường vàng, đặc biệt là vốn vàng và việc chuyển đổi trong hệ thống ngân hàng. Đây là tín hiệu đầu tiên, có thể xem là một sự đánh động hay báo trước những thay đổi về cơ chế, chính sách.

Đến tháng 10/2010, Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành Thông tư số 22, bước đầu triển khai định hướng trên. Đến tháng 2/2011, Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu tăng cường kiểm soát chặt chẽ ảnh hưởng của vốn vàng trong Nghị quyết số 11. Đến tháng 4/2011, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ban hành Thông tư số 11 yêu cầu các ngân hàng ngừng huy động và cho vay vàng.

Và đến 30/6/2013, vốn vàng được bóc tách hoàn toàn khỏi hệ thống, ngoại trừ kinh doanh thương mại đơn thuần với giới hạn trạng thái 2% vốn tự có như hiện nay.

Như vậy, đã có khoảng 3 năm thực hiện các bước của chính sách, một quãng thời gian đáng kể để các ngân hàng chủ động ứng xử. Thế nhưng, chính trong 3 năm đó, vốn vàng lại được nhồi mạnh nhất, mức độ sử dụng lớn nhất trong gần 13 năm nó có mặt trong hệ thống dưới dạng huy động, cho vay và chuyển đổi (từ năm 2000).

Cao điểm 165 tấn vàng

Có 18 ngân hàng thương mại tham gia huy động và cho vay vàng. Dữ liệu VnEconomy tìm hiểu và tính toán qua báo cáo tài chính cho thấy, chính trong giai đoạn cao điểm chuẩn bị cho yêu cầu siết lại, tổng vốn vàng trong hệ thống lại được đẩy từ khoảng 120 tấn cuối 2010 lên tới 165 tấn trong quý 1/2012 - mức cao nhất từ trước tới nay.

Quy đổi theo mức giá 44 triệu đồng/lượng cuối quý 1/2012, có tương đương 193,6 nghìn tỷ đồng từ vốn vàng trong hệ thống. Đây là quy mô lớn gắn với một nhóm ngân hàng, đủ để cho thấy sức ảnh hưởng của nó trong hoạt động và cơ cấu tài sản của họ, thậm chí là cả vấn đề lãi suất và thanh khoản nói chung trên thị trường.

Cũng trong năm cao điểm chuẩn bị ngừng huy động và cho vay, sau khi có Thông tư số 11, mức độ sử dụng vốn vàng được đẩy cao, tập trung ở việc đẩy mạnh cho vay bằng vàng và chuyển đổi vàng sang VND.

Cụ thể, ở thời điểm cuối quý 2/2011, có khoảng 44,5 tấn vàng đã được cho vay, là quy mô dư nợ bằng vàng lớn nhất trong quá khứ. Quy mô này tương đương với khoảng 45 nghìn tỷ đồng quy đổi theo giá vàng cuối quý 2/2011 - một mức độ mà sau này bị bóc đi, góp phần giải thích cho tăng trưởng tín dụng hệ thống năm 2012 ở mức thấp.

Trong khi đó, liên tục từ quý 4/2011 cho đến quý 2/2012 là giai đoạn cao điểm các ngân hàng chuyển đổi vàng sang VND. Chỉ tính riêng ba ngân hàng lớn là ACB, Eximbank và Sacombank, quy mô ở hoạt động này đã gần 50 tấn. Ở đây có một yếu tố quan trọng, là thời điểm họ bán ra bình ổn theo sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước, với Thông tư số 32 cùng nhóm được gọi là G5+1.

Cũng lưu ý rằng, chính trong giai đoạn cao điểm chuẩn bị ngừng huy động và cho vay, các ngân hàng lại đẩy mạnh cho vay và chuyển đổi, thì cũng là quãng giá vàng chạy chóng mặt (từ khoảng 37 triệu đồng/lượng lên tới gần 48 triệu đồng/lượng). Rủi ro lớn bộc lộ, cả với ngân hàng lẫn khách vay vàng. Nhức nhối vốn vàng một thời càng được đẩy cao.

Vì sao phải cắt?

Bắt đầu từ năm 2000, vàng trở thành dòng vốn thực sự trong hệ thống khi Ngân hàng Nhà nước mở cơ chế huy động - cho vay, cho chuyển đổi 30% thành tiền. Một nguồn lực lớn trong dân cư được kích hoạt, trở nên năng động, không chỉ mang lại lợi ích cho các ngân hàng thương mại, cho các chủ thể sở hữu, vay mượn và còn có giá trị với các hoạt động đầu tư liên quan cho nền kinh tế.

Thế nhưng, giai đoạn tương đối ổn định này bị phá vỡ từ những năm 2007 - 2008, khi vốn vàng mở rộng ảnh hưởng, giá bắt đầu chạy nhanh và dồn đẩy nhiều rủi ro, hệ lụy.

Đó là giai đoạn sàn vàng bùng nổ. Ban đầu là giao dịch vàng vật chất, rồi nhanh chóng biến tướng thành vàng tài khoản, đi cùng với đó là sự bơm thổi của đòn bẩy tài chính. Bong bóng xoay quanh vốn vàng ngày càng lớn, gia tăng ảnh hưởng đối với kinh tế vĩ mô và cả những bất ổn xã hội. Với nhiều nhà đầu tư, thua lỗ và khiếu kiện là thực tế nhức nhối ở giai đoạn này.

Từ những cá nhân vay vàng nhỏ lẻ cho tiêu dùng, vàng trở thành công cụ lãi suất thấp tạo vốn để đầu tư vào chứng khoán, bất động sản và vào... chính vàng. Một mặt dòng vốn này kích thích thêm sự đầu cơ quá mức và thổi thêm bong bóng ở những thị trường trên, thúc đẩy thêm mức độ vàng hóa trong nền kinh tế; mặt khác, các chủ thể liên quan đối diện với rủi ro lớn khi giá liên tục tăng cao.

Giá vàng đã chạy chóng mặt từ 16 - 17 triệu đồng/lượng quãng 2007 - 2008 lên tới 26 - 27 triệu đồng/lượng trong năm 2009, rồi phi thẳng lên gần 37 triệu đồng/lượng cuối 2010 đầu 2011. Hay như trên, giai đoạn cao điểm cho vay và chuyển đổi, giá chạy từ 37 triệu lên 48 triệu đồng/lượng…

Hoạt động chuyển đổi và cho vay vàng đối diện với thua lỗ, rủi ro. Quan trọng hơn, theo giám sát của Ngân hàng Nhà nước, vấn đề an toàn hệ thống được đặt ra khi giá vàng chạy quá nhanh khiến chất lượng các khoản vay kém đi, người vay chịu sức ép trả nợ lớn, nhất là khi không đủ sức bổ sung tài sản thế chấp cho kịp tốc độ lên giá như bão của vàng. Rủi ro này cũng không loại trừ các khoản gửi, hoặc vay mượn lẫn nhau trên liên ngân hàng. Cao điểm tổng vốn vàng 165 tấn là một quy mô có ảnh hưởng lớn đối với hệ thống.

Trước những rủi ro và hệ lụy diễn ra quá nhanh với mức độ ảnh hưởng lớn, Chính phủ đã có chủ trương siết lại như đề cập ở trên. Ngân hàng Nhà nước vào cuộc hạn chế và tiến tới cắt bỏ. Nối tiếp là một giai đoạn căng thẳng và quyết liệt cuối 2012 đầu 2013…

Kỳ tới: Vốn vàng “cắn môi” ra đi

Cuối cùng, tất cả 18 ngân hàng thương mại cũng đã tất toán xong vốn vàng huy động, dư nợ còn lại phần nhỏ. Sau những rủi ro và căng thẳng, vốn vàng “cắn môi” ra đi, ảnh hưởng của nó trong hệ thống cũng như đối với thị trường vàng được bóc tách…
 

Theo TBKTVN

.