Một số tên tuổi quen thuộc ở nhóm dẫn đầu với khả năng tạo lãi, nhưng có những “nốt trầm” tiếp tục “trầm” đi.


Đến thời điểm này, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) vẫn là đầu tàu lợi nhuận của hệ thống, xét theo giá trị tuyệt đối. Đây cũng là thành viên có tốc độ tăng trưởng đột biến trong 6 tháng đầu năm 2013.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh vừa công bố, tổng lợi nhuận trước thuế quý 2/2013 của VietinBank đạt 2.825,79 tỷ đồng, tăng tới 353% so với quý 2/2012; lũy kế 6 tháng đầu năm 2013 đạt 4.195,61 tỷ đồng tỷ đồng, tăng tới trên 150% so với cùng kỳ 2012.

Đáng chú ý là lợi nhuận tăng đột biến nhưng dư nợ của VietinBank không nhiều thay đổi. Tăng trưởng tín dụng tính đến 30/6/2013 so với 31/12/2012 chỉ chớm dương 0,37%. Trong khi đó, nợ xấu đã tăng từ 1,47% cuối 2012 lên 2,1%.

Nhưng dễ thấy các điểm chính tạo tăng trưởng lợi nhuận cao của ngân hàng này có từ những thay đổi lớn trong kỳ. Cụ thể, trong kỳ báo cáo này VietinBank ghi nhận bước tăng vốn điều lệ rất mạnh, từ 26.217,5 tỷ đồng lên 32.661,4 tỷ đồng. Đáng kể hơn, họ có được khoản thặng dư lớn từ việc phát hành cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, cùng các quỹ tích lũy, vốn chủ sở hữu trong kỳ đạt tới gần 48.000 tỷ đồng, trong khi cuối năm 2012 là 33.624,4 tỷ đồng.

Thêm nữa, một yếu tố quan trọng tạo sức tăng lợi nhuận là VietinBank đã giảm rất mạnh chi phí hoạt động trong quý 2/2013 so với quý 2/2012, chỉ còn 2.084,69 tỷ đồng so với 3.197,59 tỷ đồng; trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý 2/2013 cũng ít hơn hẳn so với cùng kỳ 2012, 482,52 tỷ đồng so với 1.481,77 tỷ đồng…

Trong khối ngân hàng thương mại cổ phần (không tính các thành viên nhà nước nắm tỷ lệ sở hữu chi phối), sau khi vươn lên trong năm 2012, đến thời điểm này Ngân hàng Quân đội (MB) vẫn tiếp tục dẫn đầu, xét theo giá trị tuyệt đối.

So sánh với cùng kỳ 2012, lợi nhuận trước thuế của MB không nhiều thay đổi trong quý 2 và lũy kế 6 tháng đầu năm 2013, tương ứng là 968,65 tỷ đồng và lũy kế đạt 1.800,14 tỷ đồng. Nhìn chung, hoạt động của MB tương đối ổn định.

Chưa công bố báo cáo tài chính cụ thể, song kết quả cơ bản đưa ra từ khá sớm của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng cho thấy thêm một thành viên giữ được tính ổn định trong hoạt động. Đến 30/6/2013, Sacombank đã đạt 1.448 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương gần 52% kế hoạch năm; tổng tài sản đạt trên 159.660 tỷ đồng, tăng 5,5% so với đầu năm; tăng trưởng tín dụng đạt 12,9% và tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,46%.

Ngoài ba thành viên trên, thông tin công bố đến thời điểm này cho thấy một số ngân hàng lớn khác từng tạo ấn tượng trong hệ thống những năm trước lại đang sa sút về lợi nhuận và chưa cho thấy dấu hiệu trở lại, sau khi lợi nhuận đã giảm trong năm 2012.

Hiện chưa có báo cáo tài chính quý 2/2013 công bố cụ thể, song qua thông tin từ Tập đoàn Masan tập hợp kết quả các đơn vị thành viên, lợi nhuận của Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tiếp tục sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, trong quý 2/2013 ngân hàng này chỉ đạt 194,16 tỷ đồng, trong khi quý 2/2012 đạt 457,89 tỷ đồng, giảm tới 57,6%.

Liệu kết quả lợi nhuận liên tiếp giảm trong năm 2012 cho đến nửa đầu năm nay có phải là một trong những lý do để ngày 13/8 vừa qua Techcombank có thông báo thay đổi Tổng giám đốc hay không? Còn với thị trường, một trong những ngân hàng từng gây ấn tượng nhất về khả năng sinh lời nhiều năm trước đến nay vẫn chưa trở lại.

Còn với Ngân hàng Á Châu (ACB), kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2013 cũng giảm mạnh so với cùng kỳ 2012. Kết quả cụ thể và các điểm được chú ý trong kỳ vẫn được gắn với ảnh hưởng tiêu cực từ sự cố pháp lý xẩy ra một năm trước.

Trong khi đó, một thành viên lớn khác là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng có sự sụt giảm lợi nhuận khá lớn so với cùng kỳ năm trước. Tổng lợi nhuận trước thuế quý 2/2013 của Eximbank chỉ đạt 366 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 755,39 tỷ đồng, cùng kỳ 2012 lần lượt đạt 854,25 tỷ đồng và 1.876,42 tỷ đồng, trong khi chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng không nhiều thay đổi trong cùng so sánh.

Tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), kết quả kinh doanh vừa công bố cũng cho thấy sự kém đi so với năm trước. Trong quý 2/2013, VPBank chỉ đạt 201 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong khi cùng kỳ 2012 đạt 368,75 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm 2013 được 279,82 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái đạt 512,08 tỷ đồng.

Điểm ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của VPBank là chi phí hoạt động tăng cao, nửa đầu năm nay lên tới 1.147 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ 738,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó là chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cùng tăng mạnh, so sánh tương ứng là 459,89 tỷ đồng so với 96,27 tỷ đồng.

Sau khi sáp nhập Habubank, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã trở thành một ngân hàng lớn xét về quy mô. Dù đã cắt lỗ xong sau sáp nhập, song những khó khăn vẫn còn nhiều ở ngân hàng này.

Kết quả kinh doanh của SHB hiện nay là thể hiện tổng thể hoạt động của ngân hàng sau sáp nhập, khác với cùng kỳ năm 2012. Lợi nhuận trước thuế của SHB quý 2/2013 đạt 183,07 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 400,68 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý ở SHB là tỷ lệ nợ xấu ở mức cao, do một phần lớn nhận chuyển giao từ Habubank. Nhưng nợ xấu hiện vẫn chưa thể cải thiện, thậm chí tăng từ 8,51% cuối năm 2012 lên 9,04% tính đến 30/6/2013.

Hiện vẫn còn một số ngân hàng thương mại lớn chưa công bố báo cáo tài chính quý 2/2013. Song có thể định hình kết quả chung không mấy khả quan, một số ít có tăng trưởng cao hoặc tương đối ổn định, nhưng nhiều thành viên tiếp tục kém đi. Đó là chưa kể trong kỳ này họ đã được lùi việc áp dụng Thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro; nếu vẫn áp từ 1/6/2013 như thời điểm ấn định ban đầu, chắc chắn tình hình còn ảm đạm hơn.
 

Theo Nguyên Hồng
Thời báo Kinh tế Việt Nam

.