Một số ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động theo chiều hướng tăng, trong khi đó thanh khoản ngân hàng đang dồi dào. Nguyên nhân nào đưa đẩy ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng?
|
Khách hàng lo ngại lãi suất cho vay cũng tăng theo. |
Khách hàng lo lắng
Hồi đầu tháng, một số ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) đã đồng loạt có những thay đổi trong bảng biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tăng nhẹ lãi suất từ 0,1-0,2%/năm ở một số kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng. Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng từ 4,8%/năm lên 5%/năm, kỳ hạn 2 tháng từ 5%/năm lên 5,2%/năm, kỳ hạn 3 tháng từ 5,2%/năm lên 5,3%/năm. Mức lãi suất cao nhất là 7,7%/năm được ngân hàng này áp dụng đối với kỳ hạn 36 tháng.
Đi sau hơn ít ngày, Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank) cũng điều chỉnh lãi suất tăng. Kỳ hạn 6 tháng, tăng lên 0,1% và chính thức áp dụng mức lãi suất mới là 7,1%/năm. Kỳ hạn 13 tháng lãi suất tăng lên nhiều hơn 0,3%, ngân hàng này áp dụng mức lãi suất mới 7,8% thay vì 7,5% như trước. Trong khi đó, mức lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này là 8,2%/năm đối với khách hàng gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn dài 18 tháng.
Cũng nằm trong chuỗi ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm tăng. Ngân hàng TMCP Việt Á (VietA Bank) áp dụng mức lãi suất cao nhất 7,7%/năm cho kỳ hạn 15 tháng, hay Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) áp dụng lãi suất cao hơn so với gửi tiết kiệm thông thường khi khách hàng tham gia chương trình quà tặng 2016...
Việc một số ngân hàng nhanh nhẹn điều chỉnh lãi suất huy động vào thời điểm cuối quý III được nhìn nhận là đón sóng chu kỳ kinh doanh cuối năm của doanh nghiệp. Và việc tăng lãi suất tiết kiệm là để hút tiền gửi của khách hàng, “phòng bị” cho kế hoạch vốn cuối năm. Điều chỉnh lãi suất tiết kiệm do vậy được nhìn nhận là việc không lạ.
Nhưng đứng ở vị thế là khách hàng, tức là người đi vay tiền, họ cảm thấy lo lắng trước động thái này của ngân hàng, lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng theo.
Thanh khoản ngân hàng đang dồi dào
Thông tin từ Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết, hệ thống tài chính trong 8 tháng đầu năm nay nhìn chung đảm bảo tốt khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, do thanh khoản của khu vực ngân hàng khá dồi dào.
Cụ thể, tính đến 31/7/2016, tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế đạt 7.489.000 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cuối năm 2015. Trong đó, vốn cung ứng của khu vực ngân hàng chiếm 74,9%, tăng 9,1% so với đầu năm, còn lại thị trường vốn (gồm cổ phiếu và trái phiếu) đóng góp xấp xỉ 25,1% tổng cung ứng vốn, tăng 24,3% so với đầu năm.
Tính đến cuối tháng 8/2016, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 10,5% so với đầu năm 2015. Vốn huy động từ hệ thống các tổ chức tín dụng tăng khoảng 11% so với đầu năm, song tín dụng chỉ tăng ở mức tương đương với cùng kỳ năm trước (9,2%) và chưa có dấu hiệu bứt phá trong quý III/2016; trong đó, tín dụng các khu vực ưu tiên tăng trưởng thấp hơn mức chung của toàn hệ thống.
Trong khi đó số liệu thống kê chính thức từ cơ quan Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến đầu tháng 8, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,45%, huy động vốn tăng 9,94% (huy động bằng VND tăng 12,28%, bằng ngoại tệ giảm 6,25%) so với cuối năm 2015. Dữ liệu này cho thấy thanh khoản của hệ thống tiếp tục được đảm bảo và có dư thừa.
Vậy nguyên nhân nào ngân hàng lại điều chỉnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm?
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá: “Việc một số ngân hàng tăng lãi suất huy động có tính chất cục bộ. Nguyên nhân là do các ngân hàng này thực hiện cân đối nguồn vốn để đáp ứng quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 60% xuống 50%”.
Ngoài ra, việc dư nợ tín dụng đang có xu hướng tăng lên cũng là lý do khiến các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi. Theo thống kê của NHNN, tính đến 31-8, tín dụng toàn ngành tăng 9,67%, trong đó tín dụng bằng VND tăng 10,76%.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, năm 2016, NHNN chuyển sang cơ chế điều hành tỷ giá mới: công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày, có tăng có giảm, giúp giảm tâm lý đầu cơ găm giữ ngoại tệ rất nhiều. Kết quả đạt được là trong 6 tháng đầu năm, nhiều thời điểm thanh khoản dồi dào, lãi suất liên ngân hàng thấp nhưng tỷ giá ổn định.
Ngay cả khi sự kiện Brexit xảy ra, tỷ giá cũng chỉ biến động nhẹ. Có ngày thanh khoản thừa, nhưng NHNN còn mua vào được ngoại tệ. Tất cả những điều này cho thấy, thanh khoản dư thừa tác động tới thị trường ngoại hối đã giảm đáng kể, và đóng góp quan trọng tới giảm lãi suất huy động và cho vay.
Theo Đại đoàn kết