Hơn 616 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý
Cập nhật lúc 22:44, Thứ tư, 24/05/2017 (GMT+7)
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến thời điểm tháng 1/2017, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 616,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu. (chính sách , nợ xấu, pháp luật, Ngân hàng Nhà nước)
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến thời điểm tháng 1/2017, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 616,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Xử lý nợ xấu – Từ góc độ chính sách và pháp luật” được tổ chức mới đây. Cụ thể theo báo cáo của NHNN, tính đến thời điểm tháng 1/2017, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 616,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, xử lý nợ xấu tăng dần từng năm từ năm 2012 xử lý được hơn 74 nghìn tỷ đồng đã tăng lên 118,4 nghìn tỷ đồng năm 2016. Riêng trong tháng 1/2017 số nợ xấu xử lý được là hơn 5,1 nghìn tỷ đồng.
Trong số nợ xấu đã được xử lý, nợ xấu do các tổ chức tín dụng tự xử lý là 349, 7 nghìn tỷ đồng, chiếm 56,7% tổng số nợ xấu, còn lại là bán nợ cho các tổ chức, cá nhân khác chiếm 43,3%. Nợ xấu nội bảng tính đến cuối tháng 2/2017 ở mức 2,56% tổng dư nợ tín dụng.
Kết quả xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng qua Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), lũy kế từ năm 2013 đến 31/3/2017, tổng số tiền thu hồi nợ qua VAMC đạt 53.236 tỷ đồng.
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, quá trình xử lý nợ xấu đến nay cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ, đặc biệt cơ chế hiện nay chưa bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của tổ chức tín dụng, chưa tạo thuận lợi cho quyền xử lý tài sản đảm bảo, thời gian xử lý tài sản đảm bảo kéo dài...
Đại diện NHNN cho rằng, việc không kịp thời xây dựng cơ chế, khuôn khổ pháp lý xử lý tổ chức tín dụng yếu kém có thể dẫn tới một số hệ lụy. Chính phủ, NHNN sẽ không có đầy đủ thẩm quyền theo luật định để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, cũng như xử lý pháp nhân đối với tổ chức tín dụng này. Do vậy, sẽ gia tăng rủi ro cho hệ thống tổ chức tín dụng và nền kinh tế. Và để tháo gỡ triệt để được những khó khăn, vướng mắc trên và thúc đẩy nhanh quá cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2016 - 2020 cần thiết phải có một văn bản pháp lý do Quốc hội ban hành mới đảm bảo tính pháp lý và khả thi trong tổ chức thực hiện.
Được biết Chính phủ đã giao NHNN chủ trì xây dựng Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Dự thảo này đã lấy ý kiến rộng rãi và đang chờ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này.
Theo Mạnh Nguyễn/Công lý
.