Theo các chuyên gia kinh tế thay vì chịu ngưỡng chịu thuế trên cơ sở tốc độ tăng CPI như đề xuất của Bộ Tài chính đưa ra, nên tính ngưỡng chịu thuế trên cơ sở thu nhập của người dân thì hợp lý hơn.

leftcenterrightdel
Bà Mai cho hay, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN là căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng và mức điều chỉnh phù hợp với biến động giá cả 

Trả lời về nội dung này, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối hôm nay (3/3), bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đã có văn bản số 2137 ngày 28/2 gửi xin ý kiến rộng rãi về dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh và mức thu nhập cá nhân. Việc điều chỉnh này được căn cứ vào Luật số 26/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013.

Theo Khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13 quy định: Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm), mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng CPI biến động trên 20% tại thời điểm luật có hiệu lực thi hành, hoặc thời điểm mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Cũng theo bà Vũ Thị Mai, việc giảm trừ gia cảnh phải tuân thủ theo khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13. Trong quá trình tổ chức thực hiện quản lý thuế, Bộ Tài chính luôn chỉ đạo các đơn vị chức năng cập nhật chỉ số giá tiêu dùng. Theo số liệu Tổng cục Thống kê cung cấp, hết tháng 6/2019 tăng 18,17%, và đến hết tháng 12/2019 đã tăng 23,2%.

“Và theo đúng quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13, Bộ Tài chính thấy cần thiết phải dự thảo, nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN theo đúng quy định là căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng và mức điều chỉnh phù hợp với biến động giá cả.”- bà Mai cho hay. 

T. Dịu