(BVPL) - Sau hơn một tháng rơi vào vòng xoáy giảm sâu, giá lúa gạo ở nhiều địa phương trên cả nước đang có xu hướng tăng nhẹ. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, dự kiến xuất khẩu gạo trong 6 tháng cuối năm của cả nước đạt 2,97 triệu tấn. Tuy nhiên, thời điểm này nhu cầu nhập khẩu gạo trên thị trường thế giới chưa nhiều nên các doanh nghiệp chủ yếu chỉ mua cầm chừng để nhập kho dự trữ, còn mọi hoạt động xuất khẩu lúa gạo vẫn chưa có dấu hiệu khả quan.

 


Theo ghi nhận, giá gạo nguyên liệu loai 1 hiện có mức giá dao động từ 6.500 đồng – 6.800 đồng/kg, gạo nguyên liệu loại 2 có giá từ 6.300 – 6.500 đồng/kg. Nhiều nông dân cho biết thời điểm này, bà con vừa thu hoạch lúa mùa xong nên chất lượng lúa gạo cũng được cải thiện, tỉ lệ gạo non bị vỡ vụn thấp hơn so với thời điểm đầu mùa nên các thương lái cũng đi thu mua nhiều hơn, do vậy giá cả cũng nhích lên một chút.

Nhận định về giá cả lúa gạo trong thời gian tới, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, qua cân đối tình hình sản xuất vụ lúa hè thu và đông xuân trong năm nay, lượng gạo tiêu thụ trong 6 tháng cuối năm chỉ khoảng gần 4 triệu tấn. Trong khi đó, triển vọng thị trường còn nhiều, đặc biệt là nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường chính như Trung Quốc, Philippines và Indonesia tiếp tục ổn định. Do đó, việc tiêu thụ lúa gạo trong nước không đáng lo ngại và giá lúa gạo xuất khẩu trong thời gian tới dự đoán sẽ tiếp tục tăng.


Phát biểu về tình hình xuất khẩu lúa gạo, ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc Công ty Lương thực miền Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, Công ty xuất khẩu hơn 2,7 triệu tấn lúa gạo. Dự tính trong 6 tháng cuối năm này, khả năng xuất khẩu lúa gạo sẽ đạt khoảng 3,9 triệu tấn. Đáng chú ý là tỷ lệ gạo thơm giống Jasmine xuất khẩu đã tăng lên từ 22% lên 29% trong năm nay.

Tỷ lệ xuất khẩu lúa nếp cũng tăng nhanh, từ chiếm 6,58% tổng lượng xuất khẩu gạo năm 2015 thì trong 6 tháng đầu năm đã chiếm 16% tổng số lượng xuất khẩu gạo.

Doanh nghiệp mua cầm chừng

Mặc dù giá lúa gạo tăng nhẹ và nhận định nhiều khả năng xuất khẩu lúa gạo 6 tháng cuối năm sẽ tăng nhưng thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp lớn vẫn thu mua hết sức cầm chừng. Hầu hết đều vừa mua vừa nghe ngóng tình hình thu mua lúa gạo của các nước trên thế giới, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Indonesia và Philippines. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo cho biết tháng 6 vừa qua là thời điểm cực tệ đối với họ bởi lẽ không có hợp đồng xuất khẩu lúa gạo nào được ký kết. Hầu hết số lúa gạo mua về là để dự trữ chờ cơ hội xuất khẩu. Chính vì vậy, tháng 6 vừa qua cũng là thời điểm giá lúa gạo xuống thấp.

Trung Quốc là thị trường chính của chúng ta nhưng hiện họ cũng chưa mua vào, thị trường ở các nước trong khu vực cũng chưa có động thái gì nên các doanh nghiệp cũng vừa thu mua vừa nghe ngóng tìm cơ hội. Hiện, không chỉ các doanh nghiệp ở Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp ở các nước khác cũng trong tình trạng “nằm im” ngóng cơ hội. Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) nhận định, phải đến cuối tháng 8 sang đầu tháng 9 thì tình hình xuất khẩu lúa gạo mới có dấu hiệu chuyển biến rõ rệt theo chiều hướng gia tăng.


Đánh giá về việc phát triển ngành hàng lúa gạo suốt nhiều năm qua, ông Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, còn khá nhiều bất cập tồn tại dai dẳng, đặc biệt là nghịch lý nông dân làm ra lúa song lại thường xuyên bị thương lái ép giá và DN xuất khẩu luôn là đối tượng có quyền quyết định giá.

Bởi vậy, để phát triển bền vững, ổn định ngành xuất khẩu lúa gạo, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ người nông dân để họ đủ khả năng hình thành hợp tác xã, công ty cổ phần phục vụ hoạt động xát và xuất khẩu trực tiếp, giảm phụ thuộc vào các doanh nghiệp xuất khẩu. Đây là một trong những giải pháp cần thiết để thúc đẩy hình thành sàn giao dịch lúa gạo và thị trường phái sinh trên sản phẩm gạo, từ đó mới ổn định giá bán và tạo điều kiện cho người trồng lúa bảo vệ quyền lợi của mình khi có nhiều khách hàng.
 

Bắc Hữu

.