(BVPL) - Hiện nay, thị trường xuất khẩu cá tra đang được mở rộng ở 140 nước trên thế giới. Trong hai tháng gần đây, tỉ lệ xuất khẩu mặt hàng này tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, hiện tại rất nhiều doanh nghiệp và người dân đang hết sức lo lắng vì việc xuất khẩu cá tra chúng ta vẫn chưa chủ động được. Chập chờn, “bảy nổi ba chìm” là từ mà người ta vẫn hay nói về ngành xuất khẩu cá tra.

 


Thông tin từ Bộ NN&PTNT cũng cho biết, hiện nay, cá tra Việt Nam đã được xuất khẩu sang 140 nước trên thế giới. Năm 2016, xuất khẩu cá tra đã tăng thêm 4 thị trường.

Tuy xuất khẩu tăng nhưng nhiều đơn vị doanh nghiệp và người nuôi cá tra vẫn hết sức lo lắng. Bởi lẽ tuy phát triển thêm được 4 thị trường nhưng các thị trường lớn lại bị sụt giảm. Nhìn thẳng vào thực tế có thể thấy tiềm năng xuất khẩu của cá tra Việt Nam vẫn chưa thật sự xứng đáng. Tăng rồi lại rớt giá, sau đó chững lại và sụt giảm thời gian qua đã nói lên một thực tế đáng buồn về xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Điều đáng nói là khi giá thành lên cao thì ngư dân lại không còn cá để bán.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chỉ tịch Hiệp Hội cá tra Việt Nam cho biết, khó khăn lớn nhất của chúng ta hiện nay là chất lượng giống bị thoái hóa, gây hao hụt, tăng chi phí. Trong khi đó, những chính sách của nhà nước lại chưa đi vào cuộc sống, nông dân chưa tiếp cận được nhiều ưu đãi. Bên cạnh đó, việc liên kết giữa các doanh nghiệp, thị trường còn lỏng lẻo dẫn đến sản xuất, tiêu thụ khó bền vững, năng lực quản trị và vốn cho doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.

Hiện nay, trong nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản, cá tra là ngành hàng độc quyền nhưng vì cạnh tranh không lành mạnh, bấp bênh nên dẫn đến hiện tượng ngư dân bị thua lỗ. Thêm vào đó, chất lượng cá tra không được kiểm soát nên mất uy tín khi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Theo ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết, có nhiều khi một kg cá tra thì có đến 60% là nước, chỉ 40% là cá. Với chất lượng như thế này thì dần dần sản phẩm cá tra của chúng ta sẽ không còn uy tín trên thị trường.

Theo dự báo, thời gian tới nhu cầu nhập khẩu cá tra sẽ tăng ở hầu hết các thị trường cho đến quý I/2017. Dự tính, mức tăng trưởng sẽ đạt khoảng 20%. Đáng chú ý là thị trường xuất khẩu Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh, có thể gấp rưỡi thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, khi được hỏi, rất nhiều ngư dân nuôi cá tra cho biết họ không cảm thấy vui mà ngược lại luôn lo lắng, cảm thấy bất an bởi thời tiết khí hậu thay đổi thất thường. Thêm vào đó, nguồn nguyên liệu chất lượng luôn trong tình trạng khan hiếm, các khâu nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra hiện nay vẫn chưa gắn kết được với nhau.

Chuỗi liên kết - hướng đi mới cho xuất khẩu cá tra

Hiện nay, tại Đồng bằng sông Cửa Long hiện có khoảng gần 5.000 ao nuôi cá tra thương phẩm, trong đó có 2.267 ao thuộc sở hữu cá thể (chiếm 47,38%), 2.486 ao nuôi thuộc sở hữu DN (51,95%) và 32 ao thuộc sở hữu các HTX/tổ hợp tác. Nếu như chúng ta xây dựng được chuỗi liên kết chắc chắn sẽ hứa hẹn sự phát triển mạnh và đồng bộ.

Mỗi năm, ĐBSCL cần hơn 30 tỉ cá tra bột (cá giống) để phục vụ nhu cầu nuôi xuất khẩu nhưng khâu này chưa được quan tâm, dẫn đến mạnh ai nấy làm, chất lượng con giống không bảo đảm, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

Cùng với đó, hiện nay thời tiết ở khu vực ĐBSCL đang diễn biến hết sức thất thường, lạnh về sớm, tháng 12 vẫn còn mưa. Điều này khiến cá giống bị chết, cá thịt chậm lớn, thêm vào đó, dịch bệnh lại có cơ hội phát triển mạnh. Điều này khiến lượng cá tra thời gian tới sẽ rơi vào tình trạng khan hiếm.

Bởi vậy, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp và người nuôi phải tính toán để chủ động nguyên liệu bằng việc đầu tư hoặc liên kết nuôi để có đủ nguyên liệu cho năm 2017.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trước tình hình này, các DN chế biến, xuất khẩu cá tra cần hợp tác chặt chẽ để cùng chia sẻ khó khăn với người nuôi trong chuỗi giá trị và cùng Nhà nước xây dựng thương hiệu cho cá tra Việt Nam. Khi có thương hiệu, DN mới chủ động được thị trường và không bị chi phối bởi giá cả. Phía người nuôi cũng nên tuân thủ nghiêm ngặt quy định của vùng nuôi theo hướng bền vững, gắn với các chuỗi liên kết, tổ hợp tác hoặc HTX, hướng đến quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...

“Bộ NN-PTNT sẽ giao các đơn vị chuyên môn sớm rà soát lại các đầu mối quản lý nhà nước liên quan đến cá tra, tạo điều kiện thuận lợi cho cả DN và người nuôi, đồng thời nâng cao vai trò để các hiệp hội trở thành cánh tay nối dài của các DN và Nhà nước trong việc chủ động tìm kiếm thị trường” - ông Cường khẳng định.
 

Hữu Bắc

.