leftcenterrightdel
Hội nghị sơ kết công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2018.

Ngày 8/8, Ban Chỉ đạo 389 TP. Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 06 tháng đầu năm 2018.

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Trung Nho, ủy viên BCĐ 389 thành phố cho biết, trong 06 tháng đầu năm 2018, các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 5.812 vụ, xử lý 4.703 vụ vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại. Trong đó, riêng gian lận thương mại chiếm 4.579 vụ, 112 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu...

Đồng thời đã bắt giữ, xử lý và tịch thu nhiều mặt hàng là hàng cấm, hàng nhập lậu, chủ yếu là thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, dầu Do, gỗ, đồ chơi trẻ em... và tiến hành khởi tố 17 vụ (22 đối tượng). Thu nộp ngân sách gần 77,46 tỷ đồng, trong đó, thu xử phạt hành chính hơn 29 tỷ, truy thu thuế và phạt hơn 48 tỷ đồng, bán thanh lý hàng tịch thu hơn 426 triệu đồng...

“Mặc dù Đà Nẵng không phải là điểm nóng, tuy nhiên diễn biến của tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, kinh doanh hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra với những thủ đoạn, phương thức tinh vi... Xé lẻ lượng thuốc lá nhập lậu để không thể xử lý hình sự, lợi dụng sự thông thoáng về thủ tục hải quan điện tử để khai báo sai tên hàng, mã hàng,... Mới đây, phòng PC64 phối hợp với Công an phường Hòa An, Quận Cẩm Lệ tiến hành kiểm tra kho hàng của bà Hoàng Nữ Cẩm Nhi (SN 1990, trú tại 208 Tôn Đản, phường Hòa An). Qua kiểm tra phát hiện 5.928 sản mỹ phẩm các loại, trên bao bì có in chữ nước ngoài, toàn bộ đều không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Và còn nhiều vụ gian lận thương mại khác tràn lan trên địa bàn thành phố ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người dân”, đồng chí Nguyễn Trung Nho khẳng định.

Bên cạnh đó, ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm TP. Đà Nẵng và các quận huyện đã kiểm tra và xử phạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống có vi phạm. Tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh ATTP đối với rau củ tại chợ đầu mối, kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, kiểm soát giết mổ, vệ sinh an toàn thực phẩm nông nghiệp để phục vụ tiêu dùng trên địa bàn. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tổ chức 39 đoàn kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm tra 225 cơ sở giết mổ động vật, kinh doanh sản phẩm động vật, xử lý 100 trường hợp vi phạm hành chính. Tổng số tiền xử phạt hơn 200 triệu đồng.

Chi cục Thủy sản đã tổ chức 09 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 646 tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thủy sản. Kết quả xử lý 25 trường hợp vi phạm, thu tiền phạt hơn 17 triệu đồng.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc sở NN và PTNT đã tổ chức kiểm tra 02 đợt tại 16 vùng sản xuất rau, 10 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống cây trồng. Đặc biệt, qua kiểm tra không phát hiện trường hợp vi phạm trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...

Trong 6 tháng cuối năm 2018, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển mạnh các ngành dịch vụ đến năm 2020, tầm nhìn 2035; thực hiện kế hoạch phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn... Do đó, dự kiến số lượng du khách đến với thành phố sẽ tiếp tục tăng, vì vậy cần đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tăng cường công tác phối kết giữa các ngành thành viên trong Ban chỉ đạo 389 thành phố cũng như các lực lượng chức năng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và sự đồng thuận của nhân dân.

leftcenterrightdel
 8 cá nhân và 5 tập thể của TP.Đà Nẵng đã được trao bằng khen của BCĐ 389 quốc gia vì có những thành tích xuất sắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2017.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đánh giá cao kết quả tích cực trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Tuy nhiên, hoạt động buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả ngày phức tạp, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng xảo quyệt trong khi phương tiện, trang thiết bị của các lực lượng chức năng nhìn chung còn lạc hậu, nguồn kinh phí hạn hẹp, quy định pháp luật còn nhiều kẽ hở, nhận thức người dân còn sai lệch gây khó khăn cho công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND thành phố lưu ý các đơn vị thuộc BCĐ cần bám sát cơ sở, thị trường trong những tháng cuối năm, bởi dự kiến Đà Nẵng sẽ còn đón một lượng khách du lịch lớn đến với thành phố. Bên cạnh đó, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ rộ lên vào những tháng cuối năm, lễ tết. Ngoài ra, các đơn vị thuộc BCĐ ngoài thực hiện đúng các nhiệm vụ, chức năng của mình cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phối kết hợp, đảm bảo triển khai đồng bộ, thống nhất, có hiệu quả giữa các ngành trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục hoàn thành tốt chương trình “thành phố 4 an”... Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, có những quy định của pháp luật không còn hoặc chưa phù hợp với thực tiễn cần kiến nghị, báo cáo thành phố để tập hợp làm cơ sở kiến nghị cấp cao hơn sửa đổi, bổ sung.

Tại hội nghị, 8 cá nhân và 5 tập thể của TP.Đà Nẵng đã được trao bằng khen của BCĐ 389 quốc gia vì có những thành tích xuất sắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2017.

 

Lê Tâm