Trồng nấm là một nghề khá rủi ro, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm nên nhiều nông dân khi nhắc đến nghề này đã lắc đầu, bảo “ngán” lắm.

 


Do hoàn cảnh gia đình, ông Nguyễn Văn Thái đã rời quê hương Nam Định vào Nam lập nghiệp. Bươn chải đủ mọi nghề nhưng cuộc sống vẫn không khá hơn. Năm 2000, ông theo một người bà con về Long Khánh (Đồng Nai) làm công cho một trang trại trồng nấm mèo. Cũng từ đó, ông bắt đầu học hỏi kinh nghiệm và quyết định tìm cho mình một lối đi riêng.

Năm 2002, sau khi cưới vợ, cả hai vợ chồng ông đưa nhau về xã Tóc Tiên lập nghiệp với nghề trồng nấm. Thế nhưng, khởi đầu gặp muôn vàn khó khăn vì không có vốn, đất để dựng trại. “Lúc đó chúng tôi quyết định đi thuê đất, dựng trại để gây dựng nguồn vốn ban đầu. Cũng may là nhờ mấy năm làm ở trang trại nấm nên kỹ thuật đã nắm vững, ngoài ra khí hậu, thổ nhưỡng ở đây cũng hợp với sự sinh trưởng, phát triển của nấm nên dần dần, chúng tôi đã có vốn để mua đất, mở trang trại nấm của riêng mình”, ông Nguyễn Văn Thái cho biết.

Khởi đầu bằng việc thuê đất để trồng nấm, đến nay ông Nguyễn Văn Thái đã mua được gần 6.000m2 đất để xây dựng 12 trại trồng nấm mèo. Mỗi trại được đầu tư hơn 80 triệu đồng.  Mỗi năm gia đình ông trồng 2 vụ, mỗi vụ trồng gần 200 ngàn bịch nấm, thu hoạch khoảng 10 tấn nấm mèo, doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, bình quân lãi 200-300 triệu đồng/năm. Trang trại nấm của ông cũng tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với thu nhập 3-4 triệu đồng/tháng/người. Ngoài ra, vào vụ thu hoạch nấm, ông còn phải thuê 10 lao động làm theo thời vụ.

Không chỉ giỏi trồng nấm, ông Nguyễn Văn Thái còn tự mày mò, nghiên cứu và cải tiến lò hấp nấm. Trước đây, người trồng nấm vẫn có thói quen sử dụng nồi hơi tròn, đun củi đốt nóng trực tiếp. Tuy nhiên, cách làm này cần 3, 4 lao động để xếp bịch vào nồi, nhưng mỗi lần chỉ hấp được 600-700 bịch. “Đi làm trên Đồng Nai tui thấy người ta mua lò hấp của Trung Quốc, mỗi lần hấp được 3.000 bịch thấy thích lắm. Nhưng muốn mua một lò như vậy tốn khá nhiều tiền. Qua quan sát, mày mò tìm hiểu, tui về tự làm một cái giống như vậy, hiệu quả cao hơn hẳn. Mỗi lần hấp chỉ cần 1 người đẩy cả dàn dài, mỗi lần hấp được 7.000-15.000 bịch. Đến nay tui đã tự sản xuất lò hấp và bán được hơn 20 lò cho các hộ dân có nhu cầu”, ông Nguyễn Văn Thái cho hay.

Là hộ đầu tiên trồng nấm tại xã Tóc Tiên, đến nay ông Nguyễn Văn Thái đã  hướng dẫn và truyền kinh nghiệm cho 5 hộ khác cùng làm. Hiện xã Tóc Tiên cũng đang xây dựng đề án để thành lập tổ hợp tác trồng nấm, tiến tới hình thành HTX nông nghiệp – dịch vụ, qua đó góp phần hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng xã nông thôn mới giai đoạn 2013-2015.
 

Theo Báo Bà Rịa Vũng Tàu

.