Việc tính giá cơ sở cho mặt hàng xăng, dầu với chênh lệch thuế suất nhập khẩu cao hơn 5%-10% so với mức thuế thực tế được hé lộ khiến người tiêu dùng trong nước mới giật mình rằng hàng ngày mình vẫn bị “móc túi” trong mỗi lít xăng, dầu tiêu thụ.
 
 
Thiếu minh bạch
 
Sâu xa hơn theo các chuyên gia đây không phải chỉ là một sự nhầm lẫn. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) nhấn mạnh, quan trọng nhất là người tiêu dùng cần những thông tin minh bạch liên quan tới giá xăng dầu. Theo ông Hùng, “về đạo lý, những thiệt hại trên bằng cách nào đó cũng phải trả lại cho người tiêu dùng. Biện pháp tương đối hợp lý là đưa vào giá bán lẻ xăng dầu”.
 
Đứng dưới góc độ là một người tiêu dùng, tiến sĩ, Nguyễn Thanh Bình, Học viện Chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lên tiếng, “từ trước đến nay giá xăng, giá điện không thể nắm bắt được. Người tiêu dùng luôn trong trạng thái bị động, nếu hạ thì tốt mà tăng cũng phải chịu. Điều này do cơ chế tính giá không được công bố minh bạch, thậm chí khi tính giá cơ sở thì Bộ Tài Chính là chủ trì, Bộ Công Thương thì thực hiện rồi từ chối giải thích. Đến mức đó thì làm sao người dân biết được thông tin để thực hiện quyền giám sát của mình”, ông Bình nói. Ông Bình nhấn mạnh, người tiêu dùng Việt Nam luôn là người “chịu trận” không thể chủ động mà “thông minh” được trong khi những hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng lại chưa thể hiện được vai trò của mình từ trong tất cả các hoạt động (pháp luật, văn hóa lẫn cơ chế...).
 
Đồng tình, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc tính giá cơ sở với những mức thuế khác nhau không phải xuất phát từ việc Việt Nam ký kết những hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương khá dồn dập thời gian qua mà điều quan trọng ở cơ chế quản lý.  Theo ông Nguyễn Minh Phong, đã đặt ra bài toàn mới về điều phối các cam kết hội nhập bởi rõ ràng, với trường hợp chênh thuế xăng, dầu như hiện nay thì lợi nhuận đã rơi vào túi doanh nghiệp.
 
Theo Báo Công An Thành Phố Đà Nẵng
.