Cụ thể,  theo Kết luận thanh tra, chi nhánh Viettel các tỉnh thành đã ký 29,8 nghìn điểm cung cấp dịch vụ viễn thông lưu động với cá nhân bên ngoài. Các cá nhân này được cấp tài khoản để thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, lưu giữ và sử dụng thông tin thuê bao của khách hàng.

leftcenterrightdel
Phát hiện nhiều vi phạm của Viettel

Trong số này, Thanh tra Bộ phát hiện nhiều trường hợp tự ý kích hoạt sim trả trước, như trường hợp bà Lê Thị Mai, ký Hợp đồng cộng tác viên hợp tác số 0006/HNI-LBN ngày 2/4/2018. Từ tháng 8-9/2018, bà Mai đăng ký cho một chủ thuê bao là cá nhân có số CMND 011938xxx sử dụng 136 sim điện thoại. Tương tự trường hợp Bà Nguyễn Thị Hạnh, ký Hợp đồng cộng tác viên hợp tác số 038/HNI ngày 1/8/2018. Tháng 8/2018, bà Hạnh đã đăng ký cho một chủ thuê bao là cá nhân có số CMND 131382xxx sử dụng 24 sim điện thoại.

Theo kết luận của Thanh tra Bộ, việc ký 29,8 nghìn hợp đồng cộng tác viên với các cá nhân (không phải là nhân viên của Viettel) để đăng ký thông tin thuê bao và chấp nhận thông tin thuê bao từ các điểm này là không đúng quy định. Với vi phạm này, Viettel bị xử phạt 100 triệu đồng

Ngoài vi phạm trên, Viettel vẫn còn tình trạng cung cấp dịch vụ viễn thông di động cho thuê bao có chứng minh nhân dân, căn cước công dân không đúng quy định (là ảnh chụp thẻ mẫu), họ và tên trong chứng minh nhân dân khác với họ và tên trong cơ sở dữ liệu. Với vi phạm này, Viettel bị xử phạt 9 triệu đồng.

Cũng theo kết luận thanh tra, Tập đoàn Viettel triển khai 5.483 Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền. Khi làm việc với một số Điểm này, Đoàn Thanh tra Bộ phát hiện nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng sử dụng thuê bao di động với số lượng rất lớn, trong thời gian ngắn, chẳng hạn như Công ty Wisdomrobotics, đăng ký tới 46.208 thuê bao, công ty Thương mại viễn thông Đại Phát đăng ký 45.097 thuê bao tính từ thời điểm 24/4/2017 đến nay.

Đặc biệt,  khi Đoàn Thanh tra có văn bản đề nghị Tập đoàn Viettel liên hệ và phối hợp kiểm tra các doanh nghiệp sử dụng thuê bao di động với số lượng từ 7.820-22.725 nhằm làm rõ mục đích sử dụng, Viettel báo cáo đã gửi thư mời đại điện các doanh nghiệp tới làm việc nhưng các doanh nghiệp không có thư phúc đáp hoặc phản hồi.

Tổng hợp hình phạt, Viettel bị xử phạt 109 triệu đồng. Ngoài ra, Thanh tra Bộ yêu cầu Viettel phải chấm dứt 29,8 nghìn Hợp đồng cộng tác viên với các cá nhân. Chấm dứt hợp đồng ủy quyền giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông đối với Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông đã đăng ký thông tin thuê bao sai quy định. Làm việc với các công ty đăng ký số lượng thuê bao lớn.

Ngoài những sai phạm bị xử phạt nêu trên, Viettel cũng mắc sai phạm cung cấp 8 kênh chương trình (VTV2, VTV3, VTV4, VTV5, VTV6, VTV8, VTV9, CNBC) khi đang làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký (là không thực hiện đúng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh truyền hình). Tuy nhiên trong quá trình thanh tra, Tập đoàn đã hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và đã được Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp giấy chứng nhận. Do vậy Thanh tra Bộ không xử phạt vi phạm hành chính đối với Viettel về vi phạm này và yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Thanh tra Bộ cũng kiến nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu doanh nghiệp viễn thông về tình trạng bán sim kích hoạt sẵn trên thị trường đồng thời có biện pháp nhắc nhở lần đầu. Trường hợp doanh nghiệp viễn thông vẫn cố tình vi phạm, hoặc vẫn để tái diễn tình trạng bán sim rác trên thị trường trong thời gian tới, Bộ sẽ xử lý hành chính, kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo đối với lãnh đạo doanh nghiệp.

Ngọc Anh