Trong khi chỉ có chủ nhãn hiệu mới đủ kỹ thuật chuyên môn để nhận biết hàng thật – hàng giả, các chủ nhãn hiệu này nhiều khi bất hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ.


Tại Hội nghị trực tuyến Triển khai công tác quản lý thị trường năm 2015 và quán triệt Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá diễn ra chiều 14/1/2015, ông Nguyễn Kiên – Phó Giám đốc Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội cho biết: Một trong những khó khăn, tồn tại của chi cục là việc phối hợp giữa chủ sở hữu nhãn hiệu với cơ quan chứ năng chưa được quan tâm đúng mức.

Thậm chí, đôi khi chủ sở hữu nhãn hiệu không hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ (SHTT) trong khi thực tế, việc nhận biết hàng thật – hàng giả chỉ có chủ thể quyền mới đủ kỹ thuật chuyên môn để nhận biết.

Nguyên nhân là các đơn vị này ngại các đối tượng làm hàng giả có thể khắc phục những yếu tố khác biệt khiến cho việc phát hiện, nhận biết hàng giả trở nên khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn ái ngại khi kinh phí dành cho công tác chống hàng giả cao, với nhiều loại kinh phí như kinh phí thuê văn phòng luật sư, kinh phí dành cho bộ phận thuộc doanh nghiệp chuyên về điều tra thị trường chống hàng giả...

Năm 2014, theo thống kê của Cục Quản lý Thị trường, tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền SHTT vẫn tiếp diễn. Tình trạng hàng Trung Quốc giả xuất xứ Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản... có biểu hiện gia tăng. Hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào trong nước bằng nhiều đường khác nhau, kể cả chính ngạch và tiểu ngạch.

Trong đó, hàng hóa được vận chuyển nhiều nhất là qua biên giới phía Bắc và miền Trung.

Một số mặt hàng đáng chú ý là mỳ chính, bột giặt, rượu, phụ tùng xe máy, mũ bảo hiểm, phân bón, mỹ phẩm... Điển hình, Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội bắt giữ 7,8 tấn vỏ bao bì nilon giả nhãn hiệu Ajinomoto, Miwon, Aone, Knorr, Vedan; Chi cục Quản lý Thị trường Lâm Đồng thu giữ 18 tấn phân bón giả của Công ty TNHH Ngọc Tấn Phát; Chi cục Quản lý Thị trường TPHCM bắt giữ trên 3.200 nồi cơm điện và ấm điện giả nhãn hiệu Panasonic.

Năm 2014, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý gần 17.400 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền SHTT, giá trị 36 tỷ đồng. So với năm 2013, số vụ phát hiện, xử lý tăng gần 3.400 vụ, tương đương 24,2%; giá trị vi phạm tăng 3,9 tỷ đồng, tăng 12,1%.

Cục Quản lý Thị trường kết luận: Số liệu trên cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền SHTT có biểu hiện gia tăng cả về quy mô và mức độ vi phạm.
 


Theo Trí Thức Trẻ

.