Vé máy bay giá rẻ: Sơ sểnh mất toi tiền triệu
Cập nhật lúc 14:58, Thứ năm, 07/05/2015 (GMT+7)
Trót đặt mua gói hành lý 20kg cả hai chiều bay giá rẻ cho trẻ nhỏ, chị Phương xót đứt ruột vì tốn thêm cả gần triệu đồng. Lơ đễnh khi mua vé giá rẻ trực tuyến, không ít người đã mất tiền oan.
Một cán bộ của Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific cũng cho hay, khi đặt mua vé, nhiều khách gặp những lỗi tưởng chừng như rất... ngớ ngẩn.
Ông ví dụ, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, khách hay nhầm lẫn giữa ngày âm và ngày dương, như mùng 8/1 âm là mùng 10/2 dương chẳng hạn. Thế là cứ âm âm dương dương, nhầm ngày, đặt xong khách mới phát hiện ra. “Chúng tôi đã cảnh báo trước với các đại lý nên nhân viên bao giờ cũng hỏi cụ thể lại khách, song trường hợp lẫn lộn vẫn xảy ra vì ‘các cụ ở quê hay tính theo lịch âm”, vị này nói.
Ngoài ra là lỗi đặt nhầm hành trình. Ví như, người ở Sài Gòn đặt vé hộ người thân từ Hà Nội bay vào, lẽ ra phải đặt chiều Hà Nội - Sài Gòn lại nhầm thành Sài Gòn - Hà Nội. Lỗi còn có thể do nhân viên phòng vé, cứ đinh ninh cho rằng người ở trong đó thì đương nhiên mua chiều đi từ Sài Gòn mà không hỏi rõ lại khách.
Vị cán bộ Hàng không giá rẻ Jetstar Pacific còn kể, một trường hợp nhầm lẫn nữa là khách có hai tên gọi, ở nhà một tên, chứng minh thư lại tên khác. Thế là khi mua vé, lại cứ nhằm tên gọi ở nhà mà đặt.
Giờ lịch cũng toàn in bằng tiếng Anh nên đôi khi, khách không biết ngoại ngữ (thậm chí là biết nhưng nhanh tay quá) cũng bị lẫn, như giữa tháng 6 (June) và tháng 7 (July) chẳng hạn.
Một yếu tố nữa hành khách cần lưu ý, trong quá trình đặt vé online, hàng không mặc định để nhiều khoản dịch vụ kèm theo, như mua hành lý, suất ăn, bảo hiểm, nếu không để ý rất dễ mất thêm tiền. Tốt nhất, nên hiển thị các lựa chọn để khách hàng tự quyết.
Ông cũng cảnh báo, nhiều người trong quá trình mua vé thì điện thoại liên tục hoặc "tự kỷ" với smartphone nên nhân viên bán vé hỏi hoặc thông báo cái gì cũng ừ, đọc thông tin xác nhận vé khác với thông tin yêu cầu cũng gật đầu (vì không tập trung) đến lúc cầm vé cũng không kiểm tra lại; sau đó mới phát hiện mình/hoặc nhân viên bị nhầm (do hiểu sai ý/yêu cầu của khách).
“Tóm lại cứ phải cẩn thận kiểm tra, nhân viên thì đọc lại thông tin yêu cầu đặt chỗ của khách một lần nữa trước khi Enter xuất vé”, ông nói.
Vì các lỗi hay gặp trên, Vietjet đã phải điều chỉnh thời gian thanh toán sau lên 24 giờ để khách xem xét kỹ lại vé đã đặt - bước mà nhiều hành khách chủ quan bỏ qua. Còn với Jetstar Pacific, nếu khách hàng mắc lỗi không cố ý và báo lại trong vòng 4 tiếng sau đó sẽ được hãng xem xét hỗ trợ.
Theo Vietnamnet
.