(BVPL) - Vừa vào mùa, quả vải đã đón nhận nhiều tín hiệu vui: vải được mùa, được giá và Việt Nam được phép xuất khẩu vải thiều sang thị trường Úc. Đây là tin mừng song cũng gợi mở nhiều suy nghĩ về một cách làm ăn căn cơ, về việc mở rộng thị trường cũng như vấn đề giữ chữ tín trong xuất khẩu.
 


Ngoài ra, cùng hai tỉnh Bắc Giang, Hải Dương phối hợp với TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ quả vải thiều năm 2015 khu vực phía Nam, tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào đầu tháng 6 năm 2015.

Về lâu dài, sẽ triển khai chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm có chất lượng và bảo đảm an toàn thực phẩm đến các nhà phân phối (hệ thống siêu thị, chuỗi các cửa hàng cung cấp sản phẩm nông sản, và các chợ đầu mối, các chợ dân sinh kinh doanh nông sản).

Hướng ngoại và bài học về “chữ tín”

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thì năm nay lượng vải thiều sẽ chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường gồm: Trung Quốc và các nước ASEAN như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore... trong đó, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu truyền thống quan trọng. Ngoài ra, năm nay quả vải của Việt Nam cũng đón nhiều tín hiệu mừng. Ngoài thị trường Nhật Bản, mới đây, vải thiều của Việt Nam đã được Mỹ cấp 6 mã vùng đối với 60,38 ha và được nhà chức trách của Mỹ cho phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, vải thiều của Việt Nam cũng vừa được cấp “visa” xuất khẩu vào thị trường Úc.

Vải thiều xuất ngoại đã không còn là một câu chuyện xa vời. Song điều này lại gợi mở cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Muốn lọt qua các cánh cửa khó tính là thị trường Mỹ, quả vải thiều cũng phải trải qua nhiều tiêu chuẩn ràng buộc khắt khe và phải được chiếu xạ để diệt 16 loại vi khuẩn, nấm bệnh để ngừa dịch hại… Với thị trường Úc, vấn đề đảm bảo vệ sinh, khử trùng của loại quả vải Việt Nam cũng được đặt ra hàng đầu.

Lại nhớ bài học về trái thanh long của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản năm xưa. Sau lô đầu tiên, chỉ một người tiêu dùng phát hiện sâu trong quả đã lập tức bị dừng lại và phải mất 10 năm sau mới quay trở lại thị trường Nhật.

Lần này, hành trình quả vải vượt biên nhắc chúng ta về chữ tín từ khâu sản xuất, chế biến đến bảo quản.

Được biết, Bộ Công thương đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan của Bộ NN-PTNT tiến hành đánh giá thị trường, các hàng rào kỹ thuật, thủ tục xuất nhập khẩu để có sự trợ giúp kịp thời cho tỉnh Bắc Giang. Bởi Bộ này đánh giá, Mỹ, Úc là thị trường khó tính, nhưng nếu ta nắm bắt kịp thời, làm tốt công tác thị trường, việc xuất khẩu vải, nhãn sẽ dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi những bước chân vững chãi vươn ra được các thị trường mới khó tính và tiềm năng thì thị trường nội địa vẫn là điểm tựa lớn cho người dân trồng vải Bắc Giang. Trả lời báo chí về những hướng đi mới cho quả vải, ông Bùi Văn Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng đồng tình rằng phải làm sao phát triển hài hòa cả “hai chân” là trong nước và nước ngoài. Vừa phải đảm bảo công tác xuất khẩu, vừa phải đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, đặc biệt mở rộng thị trường miền Nam, miền Trung. Ông Hạnh cũng cho rằng vẫn coi trọng thị trường truyền thống là Trung Quốc. Tuy nhiên, để giảm dần sự lệ thuộc thì hướng mở rộng xuất khẩu sang các nước khác và dự kiến sẽ giảm sản lượng xuất khẩu vải sang Trung Quốc xuống dưới 40%.
 

Bắc - Dịu - Sử

.