"Vạch mặt" âm mưu thu mua lạ đời của thương lái Trung Quốc
Cập nhật lúc 13:41, Thứ sáu, 15/05/2015 (GMT+7)
Chuyện thương lái Trung Quốc đến Việt Nam thu mua những thứ dị biệt đã không còn xa lạ với người dân. Hậu quả họ để lại sau những lần thu mua như vậy đều được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, nhưng hết lần này tới lần khác, người dân vẫn mắc bẫy.... (thương lái, Trung Quốc, âm mưu)
Chuyện thương lái Trung Quốc đến Việt Nam thu mua những thứ dị biệt đã không còn xa lạ với người dân. Hậu quả họ để lại sau những lần thu mua như vậy đều được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, nhưng hết lần này tới lần khác, người dân vẫn mắc bẫy....
Nghe có vẻ không liên quan nhưng những trò bịp của thương lái Trung Quốc không khác nhiều so với “bài toán làm giá chứng khoán” mà chính thị trường Trung Quốc từng “té ngửa” vào năm 2007. Theo thông tin từ Đài truyền hình Việt Nam cho thấy, một công ty có tên Zhong Hen Xin đã thành thạo trong việc “làm giá chứng khoán” khi công ty này tranh thủ giai đoạn thị trường chứng khoán đang nóng để “bơm tiền mua chứng khoán, bơm thông tin ảo” để đánh lừa các nhà đầu tư kéo nhau đi mua rồi đột ngột tung ra bán với giá cao kiếm lời trong khi thị trường “tuột dốc không phanh”.
Như vậy, động cơ này được thương lái “tái sử dụng” tại thị trường nông sản Việt Nam. Một mặt, các thương lái tung tin mua nông sản giá cao để thu hút sự chú ý của nông dân và các thương lái trung gian. Từng bước một, thương lái Trung Quốc đẩy giá lên cao để việc thu mua nông sản của các thương lái trung gian trở nên mạnh hơn. Mặt khác, các thương lái đi “cửa sau” để bán chính sản phẩm mình đã mua để kiếm lời từ chênh lệch giá, rồi sau đó “thoát hiểm” dễ dàng.
Hiện nay, cam non thái lát phơi khô ở đồng bằng sông Cửu Long đang bị thổi giá lên rất cao, khả năng những người thu gom sẽ gặp cảnh đó là rất lớn. Mục đích của những thương lái Trung Quốc kia không có gì khác là làm nhiễu loạn thị trường nông sản Việt Nam, và kiếm lợi trên sự nhiễu loạn đó.
Ngoài ra, mục đích phá hoại nền nông nghiệp Việt Nam cũng khá rõ: Thanh long bị bứt nụ, cam bị vặt non… sẽ khiến cho hàng trăm hàng ngàn ha thanh long, cam mất mùa. Điều đáng ngạc nhiên là, khi được báo chí hỏi, thì nhiều cơ quan có thẩm quyền và cơ quan chức năng ở những địa phương đó thường mới “chỉ nghe nói” và hứa “sẽ kiểm tra”....
Ở một khía cạnh khác, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho đội ngũ thương lái nước ngoài bởi vẫn có những thương lái vào Việt Nam đầu tư với mục đích tốt, làm ăn giao thương chân chính và có đăng ký hợp pháp, mua bán nông sản theo hợp đồng cụ thể. Chính sự hám lợi trước mắt của đội ngũ thương lái trong nước đã “tiếp tay” cho ý đồ “thao túng” thị trường của thương lái nước ngoài. Lợi trước mắt nhưng hậu quả lâu dài thì người nông dân, thương lái trong nước lãnh đủ, sâu xa hơn là ảnh hưởng nghiêm trọng quy hoạch của ngành. Bài học về khoai lang tím đối với người dân tỉnh Vĩnh Long vẫn còn nguyên giá trị.
Thiết nghĩ, đã đến lúc biện pháp để trấn chỉnh hoạt động này không nên chỉ dừng ở mức tuyên truyền, rà soát khung pháp lý nữa mà phải có những quy định và chế tài cụ thể, mạnh mẽ hơn đối với các hoạt động kinh doanh mang tính bất thường gây bất ổn thị trường và ảnh hưởng đến sản xuất. Đương nhiên, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nơi xảy ra tình trạng bất ổn cũng không thuộc diện ngoại lệ.
Theo Tiền Phong
.