(BVPL) - Cách đây đúng 20 năm, Chỉ thị số 406/1994/TTg của Thủ tướng Chính phủ về cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán tàng trữ và sử dụng các loại pháo đã được ban hành. Thế nhưng, do lợi nhuận từ việc buôn lậu pháo, nên “đến hẹn lại lên”, cứ dịp giáp Tết Nguyên đán, các địa phương, các ngành chức năng lại phải “gồng mình” để giải quyết vấn nạn này.

Những vụ buôn lậu pháo “khủng”

Trong những ngày cuối năm 2014, tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép pháo nổ tại các các địa bàn biên giới diễn ra hết sức phức tạp. Chỉ tính từ đầu tháng 11-2014 trở lại đây, tại địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai..., lực lượng chức năng đã phát hiện hàng trăm vụ buôn bán, vận chuyển pháo lậu với lượng tang vật lớn gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng nói là không chỉ “nóng” trên truyến biên giới phía Bắc, tình trạng buôn bán, vận chuyển pháo lậu tại các tuyến biên giới Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia và tuyến biển cũng diễn biến rất phức tạp. Trong khi đó, việc phát hiện, xử lý các hành vi buôn bán, vận chuyển pháo lậu không hề dễ dàng, bởi thủ đoạn của tội phạm buôn bán pháo lậu ngày càng tinh vi.

Theo một cán bộ thuộc Đội Quản lý Thị trường số 2 Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn, một trong những địa bàn “nóng” về pháo lậu thì mặt hàng phạm pháp này thường được các đối tượng buôn lậu chia thành nhiều công đoạn vận chuyển, tìm cách xâm nhập qua biên giới qua các đường mòn, lối tắt. Nhiều loại pháo nổ rất nguy hiểm như: pháo điện, pháo ném, pháo đại... được các đối tượng cất giấu lẫn với các loại hàng hóa gửi trên xe khách, rồi cho chủ xe số điện thoại để liên lạc, hòng thoát ly vật chứng khi bị phát hiện. Dịp giáp Tết năm nay, tình hình vận chuyển, buôn bán pháo lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam trên địa bàn Lạng Sơn nói chung, huyện Cao Lộc nói riêng có chiều hướng gia tăng, cả về số vụ và lượng tang vật. Mới đây nhất, ngày 19-11, tại địa bàn khối 8, thị trấn Cao Lộc, cơ quan chức năng phát hiện hai đối tượng là Lương Văn Vạn và Hoàng Văn Nhài, cùng trú tại xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc đang vận chuyển hơn 1 tạ pháo nổ có nguồn gốc từ Trung Quốc chở về quê tiêu thụ. Cùng ngày, tại địa bàn xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, ô tô chở khách do Trần Thanh Nghị, trú tại phường Phú Sơn, TP. Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá điều khiển, cũng bị lực lượng chống buôn lậu phát hiện có giấu trong khoang chứa đồ 7 bao tải đựng 220kg pháo.

 

 Cán bộ Cục Hải quan tỉnh Lào Cai kiểm đếm pháo lậu bị bắt giữ.
Cán bộ Cục Hải quan tỉnh Lào Cai kiểm đếm pháo lậu bị bắt giữ.


Tuy nhiên, nếu so số tang vật trong 2 vụ việc trên với một vụ vận chuyển pháo lậu vừa được phát hiện tại vùng biên giới Cao Bằng vào ngày 29-11 thì còn kém xa. Cụ thể, tại khu vực mốc 940 thuộc xã Đại Sơn, huyện Phục Hòa, cơ quan chức năng phát hiện 2 đối tượng Lương Văn Cương và Lương Văn Quyền, cùng trú tại xã Hồng Quang, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng đang vận chuyển gần 1,1 tấn pháo qua biên giới.

Lắm chiêu, nhiều cách

Theo báo cáo của các lực lượng chống buôn lậu tỉnh Quảng Ninh thì không chỉ được vận chuyển trái phép trên bộ, pháo lậu còn được ngụy trang trong các thùng hàng và chở vào nội địa bằng đường thuỷ. Còn tại khu vực biên giới Cha Lo (Quảng Bình), lực lượng chức năng cũng đã ghi nhận nhiều “độc chiêu” vận chuyển pháo lậu. Theo Thiếu tá Ngô Văn Bình, Chính trị viên Đồn BP Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, việc đấu tranh với tội phạm pháo lậu hiện gặp không ít khó khăn do các đối tượng hoạt động rất tinh vi, ngụy trang kín đáo để qua mặt lực lượng kiểm soát. Đơn cử như vụ Nguyễn Văn Trung, 19 tuổi, trú tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An vận chuyển gần 30kg pháo lậu từ Lào về Việt Nam cách đây chưa lâu, đối tượng đã giấu gần 800 quả pháo vào trong 4 bao than củi. Hay như vụ vận chuyển pháo lậu xảy ra ngày 29-10, cũng do Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo phát hiện, hàng chục kilôgam pháo lậu đã được giấu trong một chiếc vỏ ti-vi.

Đặc biệt, thời gian cuối tháng 10-2014, tại địa bàn xã Nam Hồng (Đông Anh, Hà Nội), lực lượng chống buôn lậu đã phát hiện đối tượng Hà Văn Công, 31 tuổi cùng vợ là Nguyễn Thị Nhung, 28 tuổi (cùng ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) và Nguyễn Viết Khiêm, 32 tuổi (ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), sử dụng xe chở hàng đông lạnh để chở pháo lậu và ngụy trang bên ngoài bằng các loại thực phẩm. Tại trụ sở công an, lực lượng chức năng phát hiện trong thùng bảo ôn trên xe có 100 hộp các tông chứa pháo với tổng trọng lượng lên tới hơn 3 tấn…

Cần những đối sách và chính sách phù hợp

Do đặc thù đường biên giới của nước ta trải dài, có nhiều đường mòn, cửa khẩu tiểu ngạch nên khẩu pháo lậu rất dễ lọt qua. Đặc biệt hiện nay, phía bên kia biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nơi “xuất phát” chủ yếu của pháo lậu vào thị trường Việt Nam, mặt hàng này được bán công khai, giá rẻ nên càng dễ thẩm thấu qua biên giới. Các nhà quản lý cho rằng, để chống pháo lậu có hiệu quả, các lực lượng chức năng cần sử dụng biện pháp nghiệp vụ ngăn chặn từ xa, sử dụng thông tin của quần chúng. Trên thực tế, “bài học” này đã tỏ ra rất hiệu quả. Trong các vụ việc đã nêu ở trên, các cơ quan chức năng đều đã áp dụng biện pháp nắm tình hình từ xa, phát huy ý thức của quần chúng trong tố giác, đấu tranh chống tội phạm...

Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai những “chiến dịch” tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép. Đặc biệt, cần tập trung vào các địa bàn trọng điểm như: khu vực biên giới, hải cảng, bờ biển, không để các phương tiện vận tải đường thuỷ, đường bộ chuyển lậu các loại pháo từ nước ngoài vào nước ta. Và quan trọng nhất vẫn là gắn trách nhiệm của các cơ quan, địa phương, cá nhân vào việc ngăn chặn nạn vận chuyển, buôn bán, sử dụng pháo nổ. Địa phương, đơn vị nào để xảy ra việc buôn lậu pháo, sử dụng trái phép các loại pháo hoặc không xử lý nghiêm các hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo, phải bị xử lý trách nhiệm cá nhân theo quy định của pháp luật…
 

Bình Ngân

.