Lợi dụng container rỗng, xe chở rác để vận chuyển hàng lậu

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, để tạo thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa trong thời điểm dịch bệnh, cơ quan Hải quan đã và đang thực hiện cắt, giảm thủ tục kiểm tra, đơn giản nhiều quy trình kiểm tra. Tuy nhiên, đây lại là kẽ hở để nhiều đối tượng lợi dụng cài cắm hàng lậu vào phương tiện, container chở hàng hóa nhập khẩu nhằm vận chuyển về các tỉnh nội địa tiêu thụ.

Từ đầu tháng 7 đến nay, tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng một số lái xe của các doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu hàng hóa thực hiện các hành vi vận chuyển hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc với số lượng lớn.

leftcenterrightdel
Phát hiện nhiều vụ vi phạm qua soi chiếu container. 

Cụ thể, đầu tháng 8 vừa qua, tại km 4+800 quốc lộ 1A, thuộc địa bàn xã Phú Xá, huyện Cao Lộc, lực lượng cơ động thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Đội 389 tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức dừng, kiểm tra phương tiện đối với xe ô tô tải đầu kéo biển kiểm soát 98H-009.12 kéo theo rơ moóc chở container nhập khẩu của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Trung Quốc - Đại Dương (địa chỉ ở quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong container đang có 22 loại hàng hóa sản xuất ngoài Việt Nam. Qua kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện 1 mặt hàng nhập khẩu với gần 150 chiếc xe đạp trẻ em không có hóa đơn chứng từ nhập khẩu.

Không chỉ lợi dụng container rỗng để vận chuyển hàng lậu, nhiều đối tượng còn lợi dụng xe chở rác để ngụy trang, cất giấu, vận chuyển hàng lậu, hàng không giấy tờ tại khu vực cửa khẩu. Cụ thể, trưa 5/8, qua công tác kiểm soát, giám sát địa bàn tại khu vực cổng kiểm soát B2 thuộc xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, Tổ kiểm soát thuộc Chi cục Hải quan Tân Thanh đã phát hiện xe ô tô chở rác BKS 12C- 057.08 lưu thông từ phía chợ Tân Thanh vào nội địa có biểu hiện nghi vấn. Qua kiểm tra, Tổ công tác phát hiện trong thùng chở rác và trên cabin của xe có nhiều thùng hàng bên trong chứa 6.500 chiếc gọng để lắp kính chống giọt bắn, 200 chiếc kính chống giọt bắn và 95kg màng kính với trị giá trên 20 triệu đồng. 

Còn theo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng trong quý III/2021, đơn vị đề nghị phối hợp soi chiếu tổng số 5.285 container trước thông quan, trong đó số lượng hàng hóa đã thực hiện soi chiếu trước 5.152 container. Từ phân tích hình ảnh soi chiếu đã phát hiện 268 container có dấu hiệu nghi vấn. Tính từ đầu năm 2021 đến ngày 15/9/2021, Cục Hải quan quan TP HCM đã thực hiện soi chiếu 37.000 container hàng hóa xuất nhập khẩu, phát hiện trên 1.000 trường hợp có nghi vấn; kiểm tra thực tế, phát hiện trên 200 container hàng hóa nhập khẩu vi phạm pháp luật hải quan. Các thông tin nghi vấn này đều được chuyển cho các đơn vị hải quan nơi doanh nghiệp mở tờ khai để thực hiện kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm theo quy định.

Điển hình như đầu tháng 10, Cơ quan này đã phát hiện lô hàng được khai báo là sò huyết nhập khẩu từ Indonesia nhưng kiểm tra thực tế phát hiện hàng trăm thùng hàng là cá ngựa, bào ngư, tổ yến, mực đông lạnh, phụ tùng ô tô... có trị giá lớn. Ngoài ra, vào thời điểm cuối tháng 9/2021, qua hình ảnh soi chiếu container hàng khai báo là nguyên liệu nhập khẩu sản xuất xuất khẩu của Công ty TNHH Hàng thủ công Xin Dong Ya, Hải quan TP Hồ Chí Minh nghi vấn hàng thực nhập không đúng với khai báo của doanh nghiệp trên tờ khai hải quan nên đã chuyển thông tin cho Cục Hải quan Long An kiểm tra. Qua kiểm tra chi tiết lô hàng, Cục Hải quan tỉnh Long An phát hiện toàn bộ hàng hóa trong container không phải là nguyên liệu mà là gần 200.000 chiếc túi thành phẩm. Toàn bộ lô hàng có nghi vấn giả mạo xuất xứ Việt Nam, khi trên các thùng hàng đều ghi "made in Việt Nam".

leftcenterrightdel
Khai báo là sò huyết nhưng kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện hàng trăm thùng carton hàng hóa trị giá lớn không khai báo hải quan, như: tổ yến vụn, cá ngựa khô... 

Hàng hóa luồng xanh cũng vi phạm

Cùng với việc phát hiện các vụ nhập hàng cấm, vi phạm nhãn mác..., qua soi chiếu hàng hóa, cơ quan Hải quan còn phát hiện nhiều vụ gian lận thuế lớn. Trong đó, nổi bật là các vụ gian lận thuế từ một số lô hàng sắt thép, máy móc nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo phân tích của Cục Quản lý rủi ro, Tổng cục Hải quan, lựa chọn soi chiếu container từ Trung Quốc nhập khẩu qua cảng Cát Lái khai báo mặt hàng sản phẩm nhựa, kết quả soi chiếu và kiểm tra thực tế, cơ quan Hải quan phát hiện doanh nghiệp nhập khẩu nhiều mặt hàng không khai báo hải quan, gồm: nhôm hợp kim dạng dày, máy hàn laser, máy khắc inox bằng laser, máy cắt laser, trị giá gần 1,1 tỉ đồng, tổng số tiền thuế tăng thêm trên 112 triệu đồng.

Đặc biệt, doanh nghiệp khai báo nhập khẩu mặt hàng máy cắt laser và mở tờ khai hải quan được hệ thống phân luồng xanh. Tuy nhiên, kết quả soi chiếu nghi vấn hàng không khai báo. Cục Quản lý rủi ro kết hợp giám sát trực tuyến đề nghị Hải quan TP Hồ Chí Minh kiểm tra, phát hiện 9,2 tấn thép không gỉ cán nguội, không khai báo hải quan. Trị giá tính thuế của hàng không khai báo là 529 triệu đồng, số tiền thuế tăng thêm gần 350 triệu đồng...

Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, lực lượng Hải quan đã áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro nhằm xác định đối tượng trọng điểm, mặt hàng trọng điểm, mức độ rủi ro trên cơ sở phân tích tần suất, dấu hiệu rủi ro, vi phạm để có biện pháp kiểm soát phù hợp theo từng phương thức thủ đoạn trên cơ sở tăng cường trao đổi thông tin nghiệp vụ giữa các đơn vị, qua đó góp phần tích cực chống gian lận thương mại, chống thất thu ngân sách Nhà nước. Không những vậy, việc soi chiếu trước hàng hóa xuất nhập khẩu không chỉ có tác dụng phát hiện vi phạm mà còn là biện pháp kiểm tra, đánh giá tính tuân thủ pháp luật của người khai hải quan, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Theo ông Hồ Ngọc Phan, Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro, công tác xác định trọng điểm là một trong những nghiệp vụ quan trong công tác quản lý rủi ro. Công tác này giúp cho cơ quan Hải quan xác định được các đối tượng, địa bàn có rủi ro cao về vi phạm pháp luật hải quan. Từ những biện pháp nghiệp vụ trên, cơ quan Hải quan sẽ đưa ra những biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý rủi ro tốt hơn, nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát hải quan.

Đồng thời, cũng nhận diện được những đối tượng, địa bàn, những lĩnh vực rủi ro có mức độ tuân thủ pháp luật thấp, từ đó đưa ra những biện pháp để nâng cao mức độ tuân thủ của người khai hải quan, cộng đồng doanh nghiệp. Cục Quản lý rủi ro cũng xác định, công tác xác định trọng điểm là một nghiệp vụ thường xuyên, liên tục, luôn cập nhật… bởi phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng phức tạp, tinh vi. 

Nguyễn Anh