Dù mới bắt đầu ra quân kiểm tra thị trường thực phẩm Tết, song các cơ quan chức năng của Hà Nội đã phát hiện hàng loạt sai phạm về mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu không có các biện pháp quyết liệt hơn, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết sẽ còn rất nhức nhối.
|
Người tiêu dùng vẫn chưa yên tâm với thực phẩm Tết |
Phát hiện 15 tấn thịt trâu đội lốt thịt bò
Ngày 7-1, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã chủ trì cuộc họp báo cáo công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) Tết Nguyên đán và các lễ hội năm 2015 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dù mới ra quân kiểm tra thị trường thực phẩm Tết, song cơ quan này đã phát hiện rất nhiều sai phạm, mất ATVSTP. Ngay trong tháng 12 vừa qua, Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện và ngăn chặn khoảng 15 tấn thịt trâu không rõ nguồn gốc được gian thương chuẩn bị gắn mác thịt bò tuồn ra thị trường. Đại diện Sở Công Thương báo cáo: Theo tờ khai hải quan, 1kg thịt trâu này được nhập với giá 40.000 đồng nhưng nếu đội lốt thịt bò, sẽ có giá hơn 200.000 đồng/kg. Hơn nữa, điều người dân lo ngại là nếu thịt trâu được ngâm, tẩm một loại hoá chất để có màu sắc giống thịt bò thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Ông Ngô Đại Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết thêm, khó khăn nhất đối với thành phố hiện nay là việc quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm. Hiện tình trạng lò mổ tư nhân, lò mổ “chui” vẫn phát triển, ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng vệ sinh ATTP. Mặt khác, trong tổng số 12.000ha rau sạch mà thành phố đang có, ngành chức năng mới dán tem chứng nhận rau an toàn cho khoảng 5.000ha, số còn lại chưa kiểm soát được chất lượng…
Phải đổi mới cách thức kiểm tra thực phẩm Tết
UBND TP Hà Nội vừa thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành thành phố về ATVSTP để tăng cường kiểm tra thị trường thực phẩm Tết. Từ nay đến hết tháng 3, việc thanh tra, kiểm tra ATVSTP sẽ được tăng cường. Tuy nhiên, cách thức kiểm tra thế nào để mang lại hiệu quả cao, xử lý dứt điểm các vi phạm, không để tái diễn tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, kiểm tra hình thức… vẫn đang là vấn đề băn khoăn.
Đại diện Sở Công Thương cho rằng, nên lập đường dây nóng để người dân nếu phát giác cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn, kinh doanh hàng giả, không đảm bảo an toàn có thể báo cho chính quyền sở tại hoặc cơ quan chức năng, để tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất. Có vậy mới xử lý sai phạm một cách hiệu quả, tránh tình trạng đoàn kiểm tra chưa đến nơi cơ sở đã biết để “đón tiếp”.
Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị, trong dịp Tết năm nay, công tác thanh tra, kiểm tra ATTP trên địa bàn Hà Nội phải tạo sự chuyển biến, thay đổi mạnh mẽ. Trong đó, các đoàn liên ngành kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm, truy tận cùng nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm sai phạm để xử lý triệt để. Đặc biệt, phải tăng cường tổ chức kiểm tra đột xuất, tuyệt đối không báo trước cho đơn vị được kiểm tra, gắn trách nhiệm cho từng thành viên trong các đoàn kiểm tra để nâng cao hiệu quả thanh tra kiểm tra.
Theo ANTĐ