(BVPL) - Theo Cục quản lý thị trưởng, Bộ Công thương, 7 tháng đầu năm 2015, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra trên 14.000 vụ, xử lý trên 6.500 vụ vi phạm, với tổng số thu nộp ngân sách trên 28 tỷ đồng.

 


Trong khi đó, thủ đoạn mà các đối tượng thường áp dụng ngày một tinh vi khiến việc phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn như đối tượng sử dụng chiêu thức mua hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan có chất lượng kém, sau đó đóng gói vào bao bì giả mạo nhãn hiệu, nhãn hàng hóa của các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ độc quyền để bán ra thị trường.  Nhiều mặt hàng buôn lậu, hàng giả như: quần áo, giày dép, túi xách có dấu hiệu giả các nhãn hiệu nổi tiếng được bày bán công khai, phổ biến trên thị trường nhưng cơ quan chức năng cũng khó xử lí vì không có chủ sở hữu nhãn hiệu tại Việt Nam hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu không hợp tác. Điều này gây thiệt hại về kinh tế, sức khỏe, tinh thần của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, việc mở rộng giao thương với các nước láng giềng cũng là nguyên nhân khiến cho tình trạng buôn lậu gia tăng. Cụ thể, hiện nay việc triển khai các tuyến xe khách liên vận từ Việt Nam sang các nước láng giềng như Campuchia, Lào đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ, ma túy qua biên giới hoạt động khá mạnh.

Để ngăn chặn tình trạng trên và góp phần thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) vừa có công điện phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng từ ngày 15/7 đến ngày 15/10/2015.

Về phía Bộ Công thương cho biết, trong tháng 7 năm 2015, Bộ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, Bộ Công thương tiếp tục triển khai Đoàn khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình đảm bảo an toàn thực phẩm trên thị trường thông qua việc kiểm tra nhanh các mặt hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường tại các tỉnh: Cà Mau, An Giang, Kiên Giang; phối hợp với Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên - Huế kiểm tra vụ việc liên quan đến mặt hàng Dược phẩm, Thực phẩm chức năng có dấu hiệu là hàng giả, nhập lậu.

Đại diện Tổng cục Hải quan cho hay, ngành Hải quan với trách nhiệm của mình, luôn coi trọng công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, nên thời gian tới sẽ tiếp tục nắm vững diễn biến, tình hình tại các địa bàn trọng điểm tập trung đấu tranh vào các lĩnh vực bị lợi dụng để vi phạm như: chính sách ưu đãi hoàn thuế VAT đối với hàng xuất khẩu, tạm nhập - tái xuất, kho ngoại quan, chính sách ưu đãi đầu tư, thuế đối với khu kinh tế cửa khẩu...; Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương trong việc chia sẻ thông tin, tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm minh, kịp thời hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả; Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền để mọi công dân không tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu.
 

Vĩnh Hoàng

.