Giá trái cây tại ĐBSCL đang rớt thê thảm trong thời gian ngắn khiến nhà vườn lao đao. Trong khi đó, nhiều mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, chất lượng cao cũng bí lối ra, phá sản chỉ sau một thời gian ngắn.

 


Một điển hình nữa là mô hình HTX bưởi năm roi Mỹ Hòa (Bình Minh, Vĩnh Long) sản xuất theo Global Gap cũng phải rã đám giữa chừng. Bằng chứng nhận thì quá hạn mấy năm, không có kinh phí 7.000-8.000USD để làm thủ tục tái công nhận. Toàn bộ 26 xã viên canh tác trên diện tích 23ha đã ra khỏi hợp tác xã trở về canh tác theo kiểu truyền thống vì sản xuất theo Global Gap cực khổ, tốn kém hơn nhiều lần nhưng vẫn bán cho thương lái với giá bình thường.

Mong muốn mở rộng diện tích theo tiêu chuẩn quốc tế tại vùng bưởi nổi tiếng 1.200ha ở xã Mỹ Hòa của ngành nông nghiệp Vĩnh Long cũng như nông dân khó thành hiện thực. Trong khi đó, một số mô hình chôm chôm Global Gap ở Bến Tre, Vĩnh Long cũng khó tìm được đường xuất khẩu, phải tiêu thụ trong nước với giá cả bấp bênh và gặp khó khăn trong việc tìm nguồn kinh phí tái công nhận…

Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre), cho biết: “Hiện nông dân trồng cây ăn trái rất cần nhà nước quan tâm hỗ trợ xây dựng thương hiệu, thông tin thị trường, tìm đầu ra ổn định; hướng sản xuất an toàn, chất lượng; đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật hiện đại; phát triển công nghệ bảo quản sau thu hoạch”.

Cùng ý kiến này, một chuyên gia đầu ngành ở Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam khuyến cáo nhà vườn nên hiểu rõ sản phẩm của mình làm ra để bán, cho nên phải tuân thủ quy trình, áp dụng các tiêu chuẩn tốt, đảm bảo chất lượng, an toàn; không thể làm theo tập quán mãi được. Đặc biệt, phải hợp tác sản xuất theo quy hoạch để có sản phẩm đồng đều, sản lượng đảm bảo phục vụ các hợp đồng lớn.
 

Theo Bình Đại
SGGP

.