Thời gian qua, người tiêu dùng thật sự lo ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm không được đảm bảo đang len lỏi vào từng mâm cơm của các gia đình. Làm cách nào để người tiêu dùng an tâm khi mua thực phẩm và chọn được thực phẩm an toàn.
 


Đó là mục tiêu chính của đề án Chợ an toàn thực phẩm mà Sở Công Thương TP.HCM đang triển khai, thực hiện. Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hải quan về đề án này.

* Trong những năm gần đây, mãi lực tại các chợ truyền thống của TP.HCM ngày càng giảm sút do lo ngại về an toàn thực phẩm và sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường bán lẻ. Đề án chợ an toàn thực phẩm có được coi như một “cứu cánh” cho truyền thống ở thời điểm này, thưa bà?

- TP.HCM hiện có 243 chợ, trong đó có 3 chợ đầu mối rất lớn cung cấp gần 40-50% nhu cầu thị trường tại các chợ lẻ trên địa bàn. Theo đó, lượng hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm cung ứng cho nhu cầu hàng ngày cho người dân thành phố chủ yếu là từ khu vực chợ truyền thống.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc kiểm soát cũng như ý thức của người bán và người mua trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại chợ truyền thống còn nhiều hạn chế. Việc nghiên cứu, xây dựng mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm trước hết là nhằm bảo đảm an toàn và quyền lợi cho người tiêu dùng, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ của tiểu thương tại chợ, từng bước thực hiện văn minh thương mại, thông qua đó hỗ trợ tiểu thương kích thích được mãi lực.

Đồng thời, việc triển khai thực hiện đề án cũng sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý của ban quản lý chợ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng trong lĩnh vực ATVSTP.

* Được biết mô hình chợ an toàn thực phẩm cũng đã được Bộ Công Thương chỉ đạo triển khai tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Xin bà cho biết, với một địa phương có thế mạnh về thương mại dịch vụ như TP.HCM mô hình này sẽ được triển khai như thế nào?

- Theo mô hình của Bộ Công Thương đưa ra thì mỗi địa phương sẽ chọn một chợ làm thí điểm về chợ an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, TP.HCM sẽ chọn hai chợ làm thí điểm là chợ đầu mối Tân Xuân chuyên cung ứng rau củ quả và thịt gia súc, thí điểm ngành hàng gia súc, rau xanh và chợ chợ Bến Thành- chợ loại 1 chuyên phục vụ cho khách du lịch và khách hàng có phân khúc, thí điểm ngành hàng ăn uống, rau và thịt gia súc.

Ngoài ra, mô hình này cũng sẽ được triển khai rộng rãi tại tất cả các chợ trên địa bàn để các chợ đủ điều kiện thì có thể tiếp tục đăng kí chứ không chờ mô hình thí điểm thành công mới nhân rộng.

Đặc biệt, điểm khác biệt của mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm tại TP.HCM là thành phố cho các chợ thực hiện song song, vừa triển khai thiết kế chuẩn quầy sạp, xây dựng các tiêu chí nguồn hàng vừa xây dựng đề án.

Với cách làm này, các chợ có thể tự xây dựng một mô hình phù hợp nhất với đặc điểm, tình hình thực tế của mình, đồng thời đảm bảo được hiệu quả của đề án. Dự kiến vào đầu tháng 7 tới, TP.HCM sẽ công bố mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm và người dân có thể thụ hưởng được ngay lợi ích do mô hình này đem lại.

* Bên cạnh việc xây dựng chợ an toàn thực phẩm, được biết Sở Công Thương TP.HCM cũng đang chuẩn bị ra mắt chuỗi phân phối an toàn thực phẩm trong hệ thống siêu thị. Xin bà có thể cho biết rõ hơn về mô hình này?

- Vừa qua, Sở Công Thương đã tổ chức công bố chuỗi an toàn thực phẩm trong hệ thống siêu thị. Theo đó, hệ thống siêu thị Co.opmart là đơn vị đầu tiên xây dựng khu vực rau đạt chuẩn Vietgap với sản phẩm của 16 thương hiệu rau Vietgap. Nhân dịp này, Sở Công Thương cũng sẽ công bố 16 thương hiệu rau đạt chuẩn Vietgap cho người tiêu dùng được biết nhằm hướng tới tiêu thụ sản phẩm sạch đồng thời khuyến khích được hoạt động sản xuất rau đạt chuẩn Vietgap trên địa bàn thành phố.
 

Theo Nguyễn Huế
Hải Quan Online