|
|
Trạm kiểm dịch động vật tạm thời ở tỉnh Đồng Nai sau khi phát hiện dịch. |
Trước đó, ngày 26/4, dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại tỉnh Đồng Nai. Đến nay đã có 4 xã ở 2 huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch xuất hiện ổ dịch. Đây là địa phương cung cấp lượng thịt lợn lớn nhất cho TP HCM.
Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP HCM cho biết, qua kiểm tra, TP HCM chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch tả lợn châu Phi tại TP HCM đang ở mức báo động cao vì đây là nơi tập kết và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất từ các tỉnh thành.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban an toàn thực phẩm thành phố cho biết thực tế thành phố vẫn còn các lò giết mổ lậu và các chợ lẻ bán thịt lợn không rõ nguồn gốc rất khó kiểm soát và nguy cơ lây lan dịch bệnh cao.
Tại buổi họp, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP HCM khẳng định, thành phố không được phép để tình trạng giết mổ, mua bán sản phẩm gia súc, gia cầm trái phép tiếp tục diễn ra.
Đồng thời, cơ quan chức năng TP HCM đã làm việc với tỉnh Đồng Nai, Bình Dương để đối phó với dịch tả lợn châu Phi.
Theo đó, trong vòng 30 ngày, nguồn lợn tại các xã có dịch tại tỉnh Đồng Nai sẽ không được xuất về TP HCM, các điểm giết mổ cũng bị đình chỉ hoạt động trong thời gian có dịch.
Cơ quan chức năng TP HCM đã tổ chức thiết lập thêm các chốt chặn mới hoạt động 24/24 để kiểm tra vận chuyển heo từ các tỉnh bên ngoài vào thành phố.
"Địa phương và cơ quan chức năng ở đâu mà để tình trạng giết mổ và buôn bán heo trái phép diễn ra? Địa phương nào để ra nổ dịch thì người đứng đầu chịu trách nhiệm trước UBND thành phố", ông Liêm khẳng định
Được biết, thành phố hiện có 3.917 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn 274.154 con. Trong đó, có 247 hộ nuôi lợn bằng nguồn thức ăn thừa tại các nhà hàng, quán ăn có nguy cơ cao đối với dịch tả lợn. Ngoài ra, thành phố có 11 cơ sở giết mổ lợn với số lượng giết mổ bình quân hàng đêm 6.500 - 7.000 con/ngày./.