Nhiều tiểu thương, thay vì chỉ ngồi một chỗ ở chợ chờ thương lái chở hàng tới bán, nay họ bắt đầu bỏ vốn đầu tư trực tiếp xuống nhà vườn để có sản phẩm sạch, đáp ứng đòi hỏi của người dùng. Kết quả của sự hợp tác này là tiểu thương có sản phẩm đầu vào, nông dân an tâm có đầu ra.

 


Mười giờ sáng, bà Võ Thị Chất, chủ sạp rau E9 ở chợ đầu mối nông sản Hóc Môn bắt đầu lật giở từng trang sổ để kiểm tra địa chỉ, tên tuổi, số lượng rau đưa về bán trong ngày của từng nhà vườn ở khắp các xã trong huyện Củ Chi và một số vùng trồng rau tận tỉnh Tây Ninh. Trung bình mỗi ngày, từ khoảng 10 giờ sáng cho đến cuối chiều, sạp rau bà Chất cung cấp ra thị trường hơn chục tấn rau các loại. Số rau củ quả này được nhập của hàng trăm nhà vườn ở khắp nơi. Họ là đối tác được bà Chất đầu tư hạt giống, màng phủ, thậm chí là tiền vốn trong quá trình chăm sóc, đến kỳ thu hoạch thì phải đưa sản phẩm xuống chợ Hóc Môn cho bà bán.

Kiểm soát được sản phẩm

Tại chợ Hóc Môn còn có nhiều tiểu thương khác cũng đang bỏ tiền đầu tư trực tiếp cho nhà vườn sản xuất rau củ quả. Có chủ sạp chỉ đầu tư mỗi hạt giống, có người bỏ màng phủ, nhà lưới, thậm chí là giới thiệu nhà vườn tới các lớp tìm hiểu kỹ thuật, quy trình trồng rau an toàn hoặc giới thiệu kỹ sư nông nghiệp trực tiếp tới nhà vườn hướng dẫn. Đây là hình thức liên kết đầu tư khá mới, chủ yếu dựa trên uy tín, mối quan hệ làm ăn lâu năm chứ hoàn toàn không có hợp đồng ràng buộc. Nhà vườn nhận đầu tư từ chủ sạp, họ phải có nghĩa vụ sản xuất rau đạt tiêu chuẩn an toàn, cung cấp hết sản lượng cho chủ sạp chứ không được bán ra ngoài. Còn chủ sạp có nghĩa vụ bán hết hàng, giá tính theo giá bán sỉ thị trường từng phiên.

“Mình bỏ vốn ra đầu tư không tính lãi suất cho nhà vườn, đến kỳ thu hoạch thì họ có trách nhiệm đưa rau xuống cho mình bán. Chủ sạp chỉ ăn tiền cò, nhà vườn được tính giá thị trường, hai bên cùng có lợi”, bà Hân, chủ sạp E11 nói. Hôm chúng tôi xuống gặp bà Hân, con gái bà tên Nhi đưa ra cuốn sổ ghi chép có hàng trăm nhà vườn, thương lái ở Tây Ninh, Củ Chi, Bình Chánh cung cấp mỗi ngày không dưới 5 tấn rau VietGap.

Bà Hân cũng như các tiểu thương khác ở chợ Hóc Môn khi đầu tư vốn cho nhà vườn là muốn có nguồn rau ổn định, rau không sử dụng hoá chất, thuốc trừ sâu độc hại. Ông Lê Văn Mi, một nhà vườn trồng rau ở xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, đối tác làm ăn với bà Võ Thị Chất cho biết gia đình ông trồng hơn 1ha bầu, bí và cà ngọt. “Tui làm ăn với tiểu thương hai năm nay, thấy đầu ra rất ổn định và có lợi nhuận cao hơn bán cho thương lái”, ông Mi hồ hởi.

Một ký cà ngọt của ông Mi được bà Chất bán sỉ cho tiểu thương chợ lẻ 10.000 đồng, đậu ve 20.000 đồng, bí 4.000 đồng, và ông Mi chỉ phải trả mỗi ký 200 – 400 đồng tiền cò cho bà Chất, tiền lãi thu về cao hơn ít nhất 20% so với bán cho thương lái. Giá bán sỉ ở chợ đầu mối được chủ sạp cập nhật cho nhà vườn hàng ngày, thậm chí nhà vườn có thể xuống trực tiếp kiểm tra nên giữa hai bên ít khi có nghi ngờ gian lận. Chủ sạp có thể trả tiền ngay cho nhà vườn sau khi bán hết hàng trong ngày, hoặc gom vài ba ngày trả một lần.

Cần được hỗ trợ

Bà Phạm Thị Ngọc Hà, giám đốc công ty TNHH San Hà, một đơn vị đang cung cấp khoảng 30% sản lượng gà thịt tại thành phố cũng đề cập tại hội nghị “Kết nối cung – cầu hàng hoá theo mô hình liên kết: Nhà nước – nhà nông – nhà sản xuất – nhà phân phối” giữa thành phố với các tỉnh thành Đông – Tây Nam bộ do sở Công thương TP.HCM tổ chức ngày 7.11 rằng, kinh doanh thực phẩm bây giờ không hề đơn giản như trước, nếu không lấy được niềm tin của khách hàng về sản phẩm thì khó thành công. Để có được niềm tin từ người dùng, người bán phải đưa ra được sản phẩm chất lượng ổn định, an toàn sức khoẻ. Còn quảng cáo, tiếp thị chỉ là phụ. Bà Hà cho biết, trung bình mỗi ngày thành phố tiêu thụ tới 10.000 con gà ta, ai cũng muốn được ăn gà ta chứ không thích ăn gà công nghiệp, gà tam hoàng nhưng chưa chủ trại nào có thể nuôi, cung cấp được số lượng ổn định như vậy. “Nếu có trong tay hàng chục con gà ta mỗi ngày, nuôi đúng quy trình, chất lượng đảm bảo thì tui nghĩ kiếm tiền không khó”, bà Hà nói. Từ nhận thức này, bà Hà đã liên kết với một chủ trại gà ở Định Quán, Đồng Nai để đầu tư 10 tỉ đồng nuôi gà ta thảo mộc, trước mắt có thể cung cấp khoảng 1.000 con mỗi ngày ra thị trường.

Nhu cầu thị trường cần sản phẩm sạch, an toàn, người dùng mong muốn có niềm tin về chất lượng sản phẩm nên từng nhà vườn, chủ trại phải có thay đổi trong tư duy sản xuất. Tuy nhiên, bản thân họ không thể tự làm được mà cần có sự đầu tư của nhà kinh doanh, phân phối, giới tiểu thương...

TP.HCM tiêu thụ mỗi ngày hàng trăm ngàn tấn rau các loại, ngoài ra còn có hàng chục ngàn tấn thực phẩm. Không chỉ có đơn lẻ một ít tiểu thương ở chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, hiện có nhiều hợp tác xã trồng rau an toàn ở Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn như hợp tác xã rau an toàn Tân Phú Trung, Thỏ Việt, Tân Thông Hội… đã sản xuất rau VietGap, thực phẩm sạch nhưng số lượng mới đáp ứng chưa tới 30%, còn 70% còn lại vẫn còn là nguồn trôi nổi, không rõ nguồn gốc, được bán lẫn lộn ngoài thị trường khiến cho giá bán đánh đồng, người dùng khó xác nhận, còn nhà vườn lại gặp khó khăn vì không thể nào cạnh tranh được. Ngay tại hội nghị “Kết nối cung – cầu hàng hoá theo mô hình liên kết: Nhà nước – nhà nông – nhà sản xuất – nhà phân phối”, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Phước An (huyện Bình Chánh) cũng đề nghị phải có công ty thu mua hết rau an toàn, sau đó cung cấp có địa chỉ để người dùng lựa chọn, bởi việc thả nổi không có kiểm soát như hiện nay thì rau an toàn không thể cạnh tranh được với rau trôi nổi.

 

Theo SGTT

.