Nhiều tục lệ dân gian đã tạo ra mùa làm ăn cho giới kinh doanh, như Tết nguyên đán, Tết trung thu…, nhưng cũng có những tục lệ khiến các thương nhân chỉ có ngồi “đuổi ruồi”, như “tháng Giêng là tháng ăn chơi” hoặc tháng 7 âm lịch “cô hồn” …
Sức mua “tụt dốc”
Người dân miền Bắc thường kiêng làm các việc “đại sự” trong tháng 7 “âm”, từ làm nhà, tậu xe đến mua sắm các vật dụng đắt tiền khác. Dân gian quan niệm, từ mùng 2/7, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan để cho ma quỷ túa ra tứ phương, đến sau 12 giờ đêm ngày 14/7 thì kết thúc và các ma quỷ lúc này mới phải quay lại địa ngục. Vì vậy, tháng này là tháng “cô hồn” nên làm việc gì cũng không tốt.
Ngoài ra, trong tâm thức dân tháng 7 cũng là "tháng Ngâu", tháng của nỗi buồn của sự chia ly, mất mát. Hơn nữa, đây là tháng xá tội vong nhân...
Nhiều người quan niệm tháng này chỉ chuyên tâm thờ cúng, cầu cho những người đã khuất, tạm gác lại việc đời.
Chính từ những quan niệm này, thị trường hàng hóa vào tháng 7 “âm” gần như năm nào cũng trầm lắng. Đặc biệt, trong bối cảnh sức mua suy thoái trong 2 năm lại đây, thì ảnh hưởng của “tháng Ngâu” càng rõ.
Khảo sát thị trường xe máy trên tuyến phố chùa Hà (Dịch Vọng – Cầu Giấy), người đến xem xe rất ít, đếm trên đầu ngón tay. Đây là chợ buôn bán xe máy lớn nhất Hà Nội nhưng “cả ngày đứng chào mời, đón vẫy khách thì cũng chỉ bán được một đến hai xe là cùng, chả bù cho mấy tháng trước, có ngày vừa mua lại, vừa bán ra cũng được hàng chục cái” – anh Duy, chủ một gian hàng khá rộng trong chợ xe than thở.
Cũng chẳng khá gì hơn, trong các cửa hàng Honda, đội ngũ nhân viên niềm nở, nhiệt tình nhưng chẳng mấy ai ghé đến. Bên bảo trì xe không lúc nào vắng người, nhưng bán xe lúc nào cũng vắng vẻ. Trên tầng 2 và tầng 3 của cửa hàng Honda Nguyễn Trãi (q.Thanh Xuân), số lượng xe nhập về từ đầu tháng vẫn ứ đọng rất nhiều, xe ga, xe số xếp thành hàng dài.
Không chỉ cửa hàng ô tô, xe máy, mà hàng hóa của thị trường điện máy cũng đang “chết yểu”. Các siêu thị điện máy vắng khách trông thấy, nhân viên bán hàng đứng nói chuyện với nhau, người vào người ra cốt chỉ để ngắm qua các mặt hàng giảm giá, vào tham quan…
Ông Phạm Hưng (Hà Đông) – một khách hàng trong siêu thị điện máy Media Mart cho biết: “Con trai tôi gửi tiền về từ mấy hôm nay, bảo bố mẹ mua máy giặt về dùng. Hôm nay tôi đến để xem giá, chứ thực ra bà ấy cũng chưa ưng mua đồ trong tháng này, sợ đen đủi, máy giặt nhanh hỏng”.
Đủ chiêu “câu” khách
Để hàng hóa được lưu thông tốt, ngoài việc các doanh nghiệp chịu chi cho khoản khấn vái, cúng tế, đốt vàng mã… họ còn lên kế hoạch nhằm thúc đẩy lượng cầu.
Trong các siêu thị điện máy, tất cả các mặt hàng đều đồng loạt giảm giá. Loa đài, tờ rơi rải khắp nơi. Thị trường xe máy cũng không kém. Băng rôn quảng cáo treo khắp trên các trục đường. Hơn thế, giá các loại xe giảm đáng kể, có xe giảm 500 nghìn, có xe giảm đến hơn 1 triệu…. Đặc biệt, khi mua xe số, khách hàng có thể nhận ngay phiếu quà tặng 500 nghìn tiền mặt và 880 nghìn khi mua xe ga. Nếu khách hàng là sinh viên, chỉ cần cầm thẻ sinh viên đến, ngoài các ưu đãi như trên, còn được tặng ngay một mũ bảo hiểm, một balo hiệu Honda và một phiếu bốc thăm trúng thưởng cuối ngày.
Tại chợ xe Dịch Vọng, các loại xe cũng không “cứng” giá như trước nữa. Khi khách hàng có ý muốn mua xe, chủ cửa hàng chỉ nói đúng một, hai giá là khách ưng luôn. Họ không muốn vòng vo, ngã giá lằng nhằng vì sợ mất khách. Thường thì những loại xe “lướt”, vẫn mới nguyên cả bề ngoài và động cơ, họ bán với giá 90% so với mua mới, nhưng tháng này giá chỉ 75 – 80% hòng có thêm nhiều khách ghé mua.
Những hình thức khuyến mại “đậm đà” như vậy cũng đánh vào tâm lí ham rẻ, ham quà tặng của người mua. Tuy nhiên, sức mua vẫn không thấm vào đâu so với những tháng trước. Khi được hỏi, mấy khách hàng đều có đồng quan điểm, họ kiêng nhất là mua xe trong tháng này vì sợ tai nạn, sợ mất trộm xe,…
Thế nên, dù có tìm mọi cách vực lên thì cũng chỉ vớt vát được lượng mua ít ỏi. Hàng hóa vẫn ứ đọng và thương nhân dẫu có muốn làm ăn thì cũng phải về lo chuyên tâm thờ cúng.
Theo Pháp Luật VN