Thị trường đặc sản chuẩn bị cho tết Giáp Ngọ 2014 đã khởi động sớm. Mặt hàng phong phú, mới lạ có tính đặc trưng của từng địa phương vùng miền. Hoặc đặc sản dựa theo truyền thuyết, câu chuyện văn học mà nhiều người biết. Ngoài yếu tố mới lạ, các sản phẩm còn hướng tới sạch và an toàn.
Hàng lạ theo truyền thuyết và hàng sạch
Gà chín cựa được nuôi ở chính quê hương vua Hùng với truyền thuyết Sơn Tinh – Thuỷ Tinh. Gà chín cựa nằm trong lễ vật quý kén rể của vua Hùng “Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” nên được cho là may mắn khi dùng cúng dịp cuối năm. Gà phải được chọn giống vùng Xuân Sơn, Phú Thọ, không lai tạp. Ông Nguyễn Như Pháp, phó giám đốc công ty Dabaco, cho biết: năm nay công ty bán gà chín cựa với tên gọi gà Sơn Tinh, từ đầu năm đã chuẩn bị số lượng đến 10.000 con phục vụ tết, bán cho các đại lý toàn quốc, nhà hàng. “Khi mua gà mọi người phải chú ý gà có chín cựa chứ không phải là chín ngón do đột biến”, ông nói.
Dựa theo văn học có đặc sản cá kho Vũ Đại – món ngon của quê hương nhà văn Nam Cao làng Vũ Đại với nhân vật nổi tiếng Chí Phèo và Thị Nở. Từ xưa cá kho làng Vũ Đại là món quý để dâng tổ tiên vào dịp tết, nay được thị trường hoá, phân phối trên toàn quốc với giá 400.000đ/kg vào dịp tết.
Đặc sản Sóc Trăng như Tung Lò Mò là món lạp xưởng bò – món có xuất xứ từ truyền thuyết của người Chăm theo đạo Hồi. Món ăn được chế biến từ thịt “tận thu” trên xương, mỡ, ruột xắt nhỏ cho gia vị dồn vào lòng.
Các loại trái cây tạo hình có mẫu mới như dưa hấu hình bản đồ có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và hình thỏi vàng của ông Trần Thanh Liêm, Bình Thuỷ, Cần Thơ. Sản xuất với số lượng ít, nặng khoảng 2,2kg/trái với giá dự kiến 8 triệu đồng/cặp. Bưởi hồ lô và dưa hấu hồ lô mẫu mới in hai hình đồng tiền và thỏi vàng trên cùng một trái, dự kiến 2 triệu đồng/cặp. Năm nay có nét mới: bưởi, dưa được thắt nơ, bọc lưới, có đế bằng gáo dừa hình hoa sen để chưng trên bàn thờ. Chị Thanh Hương nhà ở quận 5 nói, “Công ty tôi năm nay đặt 300 phần quà là đặc sản, thực phẩm khô để chế biến món ăn trong ba ngày tết như thế thực tế hơn”.
Do người tiêu dùng hiểu biết và quan tâm đến thực phẩm sạch, an toàn nên có xu hướng chọn các loại thực phẩm được làm tại nhà hay các nhóm gia đình. Hàng này được bán dựa trên lòng tin hay do quen biết, truyền miệng và truyền mạng. Trên trang Xanh shop.com chuyên bán thực phẩm sạch hữu cơ đưa ra hàng lạ như mứt, xirô, trà, rượu làm từ trái bụp giấm – một loại cây mọc hoang có vị chua, là món mới sản xuất tung vào dịp tết này – sản phẩm này có tác dụng chống cao huyết áp. Ngoài ra, còn có thực phẩm như thịt lợn nuôi ở bản, tôm nuôi ở đầm bằng thức ăn tự nhiên không có chất kháng sinh. Dưa lưới trồng công nghệ sạch không hoá chất.
Các loại giò chả, lạp xưởng làm tại nhà, xưởng sản xuất nhỏ, với cam kết sạch không phụ gia. Các loại mứt kẹo theo xu hướng “home made” sử dụng nguyên liệu tự nhiên như màu bằng lá – củ – quả. Do mứt được theo từng mẻ nên mới, giao hàng ngay. Điểm thú vị là nhiều người bán hàng sẵn sàng chỉ cho khách cách làm. Chị Hạnh ở quận 3 cho biết, “Tôi tìm kiếm thông tin qua bạn bè, báo và trên mạng để chọn mua hàng tết với yêu cầu đầu tiên là an toàn sau đó ngon và lạ. Đặt hàng đem biếu, người nhận quà thích hơn mà cũng không mắc hơn quà kiểu cũ”.
Hàng hoá phong phú, giá tăng
Năm nay, các loại đặc sản ba miền truyền thống vẫn tiếp tục với lượng hàng dồi dào. Chị Hậu chủ cửa hàng bán đồ Bắc cho biết, “Hàng đã được đặt ở miền Bắc từ cuối tháng 12 với đầy đủ các món giò chả, măng, các món nấu sẵn, gà xông muối, miến dong Cao Bằng...” Đặc sản ở miền Tây có từ Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp… Đặc sản Huế có nem, tré. Đặc sản từ các miền núi cao của người dân tộc như trà cổ Suối Giàng, trà cổ thụ Lũng Phìn giá từ 500.000 – 2 triệu đồng/kg; lạp xưởng gác giàn bếp của Tây Bắc làm bằng thịt lợn đen, hun bằng mía cây; thịt bò, lợn gác giàn bếp từ vùng núi Hà Giang.
Các mặt hàng của miền Tây trước kia chỉ có tiếng trong địa phương nay được phổ biến rộng cả nước do mở rộng đầu tư, có thương hiệu cũng tung ra dịp tết. Như Trà Vinh có bột trái bần nấu lẩu, chả hoa Năm Thuỵ, bánh tét Trà Cuông…
Giá cả dự kiến tăng từ 20 – 50 % tuỳ theo thời điểm. Ông Võ Trung Thành chủ nhiệm câu lạc bộ khuyến nông Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành – An Giang cho biết, giá tăng của những loại trái cây tạo hình bị ảnh hưởng của thời tiết nên sản lượng chỉ bằng 1/4 năm ngoái. Tương tự, dừa sáp Cầu Kè – Trà Vinh hút hàng bán đi Hà Nội nên liên tục tăng giá do nhu cầu tăng nhanh, dự kiến giá lên đến 200.000 – 250.000đồng/trái. Gà chín cựa giá cũng tăng khoảng 30% so với ngày thường, giá khoảng 2 – 5 triệu đồng/con từ 2 – 3kg. Giá quýt Lai Vung dự đoán cận tết tăng 25.000 – 30.000 đồng do thương lái đổ về đặt hàng.
Theo SGTT