Bà Đào Thị Sinh (huyện Bình Chánh, TP.HCM) phản ánh, mới đây, bà phát hiện túi ni lông do các tiểu thương sử dụng để bán hàng bị ra màu. Sau khi mua nửa ký thịt bò ở chợ Bình Chánh về và cất vào tủ lạnh, khoảng một giờ sau, số thịt bị nhuộm toàn một màu xanh của túi ni lông.

 


Theo chủ một cơ sở chuyên in ấn, sản xuất túi ni lông ở Đồng Nai, những loại túi ni lông sử dụng trong các chợ hoặc tiệm tạp hóa được sản xuất với tỷ lệ pha chế hạt nhựa PE rất thấp, thậm chí có cơ sở pha chế ở mức tối thiểu 10-15%, còn lại là nhựa tái sinh. Ông này cho biết thêm, nhựa tái sinh được các cơ sở sản xuất từ các sản phẩm bằng nhựa, trong đó có túi ni lông và các loại chai PET, thậm chí dép nhựa… “Các cơ sở này thu gom, vệ sinh sơ qua bằng nước rồi băm nhỏ, phơi khô và nấu thành keo, sau đó bán lại cho các cơ sở sản xuất túi ni lông. Thậm chí có nơi còn không rửa, cứ thế băm và nấu rồi bán”, chủ cơ sở ở Đồng Nai nói. Được biết, giá mỗi kg hạt nhựa hiện nay khoảng 26.000đ, nhưng keo tái sinh hiện chỉ khoảng hơn 10.000đ/kg. Vì thế, để giảm giá thành, nhiều cơ sở pha keo tái sinh ở mức tối đa đến 90%. Điều này làm cho túi ni lông không được dai, đặc biệt là không đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng khi hàng hóa được đựng từ những loại túi này.

Ghi nhận của chúng tôi cho thấy, giá mỗi kg túi ni lông bán trên thị trường hiện dao động từ 36.000đ - 40.000đ (loại tốt) và 20.000đ - 25.000đ/kg (loại kém chất lượng hơn). Tuy nhiên, thực tế tiểu thương có thể đặt mua với giá thấp hơn tùy vào chất lượng. Trong khi đó, những loại túi này hiện phải “cõng” từ 30.000đ - 40.000đ/kg tiền thuế môi trường (nếu doanh nghiệp chấp hành) và hàng loạt chi phí, trung gian... Theo phân tích của ông Trần Công Hoàng Quốc Trang, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP.HCM, mức giá của các loại túi ni lông như vậy (dưới 40.000đ/kg) hiện chỉ bằng với phần thuế môi trường, do đó chắc chắn chất lượng không thể bảo đảm. Ông Trang cho biết thêm, hiện trên địa bàn TP.HCM có khoảng 200 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hoạt động liên quan đến lĩnh vực sản xuất túi ni lông. Đây là những doanh nghiệp hoạt động có sự quản lý của cơ quan chức năng về chất lượng. Tuy nhiên, ngoài số doanh nghiệp này, TP.HCM còn có khoảng 500 cơ sở tư nhân hoạt động nhỏ lẻ và hầu như không được kiểm tra, kiểm soát về nguyên liệu cũng như chất lượng sản phẩm. Đây cũng chính là đầu mối cung cấp phần lớn nguồn túi ni lông kém chất lượng ra thị trường hiện nay.

Theo Viện Công nghệ hóa học, những loại túi ni lông được nhuộm màu thường có chứa các kim loại như chì, cadimi. Nếu dùng đựng thực phẩm, nhất là các loại đồ ăn nóng có thể gây tác hại cho não và là nguyên nhân gây ung thư phổi. Vì thế, để tránh gây hại cho sức khỏe, người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách yêu cầu đựng thực phẩm bằng túi ni lông trắng được làm từ hạt nhựa chính phẩm.
 

Theo Ca Hảo

Phụ Nữ TPHCM

.