Trong các loại thực phẩm gia súc, gia cầm bày bán ở chợ, thịt heo là thực phẩm được người tiêu dùng mua nhiều nhất.

 

 

Bình quân một buổi chợ quê ở nông thôn cũng bán được một, hai con heo có trọng lượng năm bảy chục ký. Các chợ ở nơi đông dân cư, số lượng bán gấp đôi, gấp ba. Còn những chợ lớn ở các khu trung tâm thì số lượng bán vài chục con heo một ngày là chuyện bình thường.

Có điều người tiêu dùng mua thịt về ăn nhưng rất lo về độ an toàn, không biết thịt heo mình mua là heo sạch hay heo bệnh. Trong thực tế, thịt heo bán ở chợ hầu như rất ít được sự kiểm soát dịch bệnh của cơ quan thú y. Nguồn thịt heo được cung cấp bởi các lò mổ heo trong địa phương, phần lớn họ thu mua từ các trại chăn nuôi, các khu dân cư, chiều mua, khuya mổ, sáng chở xe ra chợ bỏ mối.

Theo ghi nhận, trên địa bàn huyện Hàm Tân, nơi có hàng chục trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Số lượng mỗi cơ sở chăn nuôi lên đến hàng nghìn con, thì việc heo bị bệnh, bị chết là chuyện bình thường. Điều đáng nói, thay vì phải xử lý số heo này đúng theo quy định là chôn lấp hoặc tiêu hủy, thì một số cơ sở lại lén lút kêu thương lái đến bán giá rẻ. Tất nhiên những con heo bệnh, heo chết này được làm sạch sẽ và đưa ra chợ bán rẻ cho các quầy thịt, các lò quay. Người tiêu dùng chẳng biết gì, cứ thấy thịt là mua về ăn. Điều này đồng nghĩa với việc dịch bệnh rất dễ lây lan sang người.

Làm thế nào kiểm soát được nguồn thực phẩm thịt heo ở các chợ? Đây quả là vấn đề rất khó, nhưng không thể không làm, bởi chuyện không còn đơn giản ở chỗ heo bệnh, heo chết mà là sức khỏe của cả cộng đồng.

 

Theo Báo Bình Thuận

.