(BVPL) - Cả nước có hơn 1.120 nghìn người trong độ tuổi lao động đang bị thất nghiệp, trong đó nhóm người có trình độ cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH) trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất và có xu hướng tăng. Bài toán việc làm cho sinh viên ra trường vẫn đang chờ Chính phủ, các bộ, ngành cơ quan cùng bàn giải.

 


Một thống kê khác lại cho thấy, cứ 10 sinh viên tốt nghiệp ra trường có tới 6 người thiếu kỹ năng và tiếng Anh, trong 10 cử nhân có tới 4 người thiếu kiến thức chuyên môn. Vì vậy, cứ 10 doanh nghiệp tuyển dụng có tới 6 doanh nghiệp không hài lòng với chất lượng đào tạo ở bậc ĐH, CĐ và sau đại học. Nhiều người có trình độ ĐH vẫn thất nghiệp trong khi nguồn cung về lao động phổ thông, lao động có trình độ tay nghề cao lại không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường.

 Đây là hệ quả của việc phân luồng người học không căn cứ theo nhu cầu thực tiễn. Đúng ra việc phân luồng người học phải căn cứ vào nhu cầu thực tiễn trong sản xuất và trong thị trường lao động. Khi nhu cầu thực tiễn hình thành thì các cơ quan Nhà nước cần phải có những giải pháp hữu hiệu để thực hiện phân luồng đáp ứng giữa cung và cầu. Khi chúng ta chưa đáp ứng được giữa cung và cầu thì vẫn tạo ra cái ảo, ảo càng lớn thì hậu quả đào tạo không đáp ứng nhiều yêu cầu.

Tâm lý “sính bằng cấp” mất cơ hội học nghề

Tình trạng thiếu việc làm nói chung và cử nhân thất nghiệp nói riêng đang là vấn đề bức xúc, các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp tháo gỡ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp là do số lượng sinh viên ra trường mỗi năm quá nhiều. Việc mở cửa ồ ạt các trường ĐH, CĐ và trung cấp với chất lượng đầu vào thấp là nguyên nhân dẫn tới tình trạng sinh viên tốt nghiệp song không thể xin được việc làm.

Bên cạnh đó, công tác định hướng nghề nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm cho sinh viên hiện nay còn nhiều hạn chế. Tâm lý thích bằng cấp, thích học ĐH hơn học nghề còn quá phổ biến trong mỗi gia đình và học sinh khi ngồi học phổ thông. Nhiều gia đình từng cố cho con đi học ĐH, khi ra trường không biết cho con vào làm việc gì và xin vào đâu. Vì vậy, phụ huynh nên cho con học hết THPT và cần định hướng đúng ngành nghề trước để tránh tình trạng thất nghiệp như hiện nay.

Trước khi chuỗi liên kết đào tạo, phân bổ sử dụng lao động từ 3 Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động – Thương binh và Xã hội hoạt động hiệu quả, bài bản thì chính nhà trường phải thực sự chủ động gắn đào tạo với việc làm, có như vậy mới mong giải quyết được bài toán thất nghiệp của cử nhân.

Nhiều ý kiến cho rằng, trước mắt các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, chú trọng đẩy mạnh dự báo thị trường lao động ngắn hạn và dài hạn nhằm cung cấp các thông tin về cơ hội việc làm, việc làm trống, các khóa đào tạo giúp thanh niên, sinh viên chọn và quyết định học nghề lập nghiệp, tham gia thị trường lao động. Ngoài ra, trách nhiệm của mỗi gia đình trong việc lựa chọn ngành nghề cho con cái mình cũng là một phần quyết định cho việc giải quyết bài toán thất nghiệp hiện nay.
 

PV

.