Rằm tháng Bảy (Lễ Vu Lan và Xá tội vong nhân)– một trong những lễ cúng rằm lớn nhất trong năm của người Việt đã cận kề. Khác với mọi năm, thị trường đồ cúng năm nay lại không mấy sôi động và không có nhiều biến động về giá.

 


Đồ mã vắng vẻ

Những ngày này, trên địa bàn Hà Nội tại phố Hàng Mã hay trong các chợ từ nhỏ tới lớn, các loại vàng mã đủ kiểu dáng, màu sắc được bày bán tràn ngập, thu hút nhiều người hỏi mua. Đặc biệt, trong các chợ, nhiều hộ kinh doanh mặt hàng khác cũng cố treo vài bộ vàng mã để tranh thủ kiếm thêm trong đợt cao điểm này.

Có mặt tại Hàng Mã - phố chuyên bán vàng mã nổi tiếng tại Hà Nội trong một buổi chiều tan tầm tấp nập người và xe, chúng tôi dễ dàng nhận thấy có rất nhiều loại vàng mã được bày bán nhưng lượng người mua lại khá thưa thớt.

Bước vào một cửa hàng để hỏi mua, người bán hàng liền liến thoắng tư vấn về lễ lạt cần chuẩn bị, nào là bộ đồ cho ông bà cha mẹ, bà cô, ông mãnh, cho đến quan chủ hay thần thổ địa… Tính sơ sơ, nếu mua đúng theo tư vấn thì số lượng có thể lên tới cả chục bộ, chưa kể nào là tiền vàng, sớ giấy, hương nến hay những đồ dùng sinh hoạt cá nhân kể trên. Tuy nhiên, một người bán hàng tại Hàng Mã cho biết, năm nay, cửa hàng chị bán không được nhiều như mọi năm.

Về giá cả, dù đã cận ngày nhưng các loại vàng mã vẫn không có sự tăng giá hay biến động nhiều do nhiều người dân đã mua rải rác trước đó cả tháng. Giá một bộ quần áo với đầy đủ giày dép, vòng lắc có giá từ 20.000 đến 50.000 đồng/bộ tùy chất liệu và số lượng phụ kiện. Những mặt hàng đồ dùng như ô tô, điện thoại… có giá từ 150.000 đồng trở lên, nhiều mặt hàng tinh xảo hơn, được khách hàng đặt riêng có thể có giá lên tới cả triệu đồng.

Theo chị Phương Dung (Đống Đa, Hà Nội): “Để tránh cao điểm nên nhà tôi đặt mua vàng mã cách đây 2 tuần, tuy nhiên, tôi không mua nhiều, chỉ mua mấy bộ quần áo và ít đồ để cúng chúng sinh ngoài trời. Tất cả chỉ hết khoảng gần 200.000 đồng, cúng lễ cốt ở lòng thành, nhiều người mua cả triệu bạc đồ cúng thì lãng phí quá”.

Mới đây, vào ngày 27-7, một ngôi nhà 4 tầng trên đường Kim Mã (Hà Nội) đã bốc hỏa do gia chủ đốt vàng mã, hay vào ngày 3-2-2013, người dân đốt vàng mã cúng ông Công, ông Táo cũng đã không may làm thiêu rụi 8 căn nhà và 6 xe máy tại quận Tân Phú, TP.HCM…

Có thể thấy, việc đốt vàng mã vẫn còn là một hủ tục của người dân nước ta, không chỉ gây lãng phí về tiền bạc và còn tiềm ẩn nguy cơ về an toàn cháy nổ.

Đa dạng đồ cúng khác

Mâm lễ truyền thống khi cúng chúng sinh ngoài trời thường là lễ chay, với mâm ngũ quả, cháo trắng, bánh kẹo và hoa tươi, tùy theo gia cảnh của từng nhà mà nhiều hay ít.

Theo khảo sát tại một số chợ, dù là cận ngày Rằm, nhưng hoa quả tại miền Bắc đang vào đợt chính vụ nên giá không có nhiều biến động, thậm chí không khác gì ngày thường, chỉ có các loại hoa quả miền Nam có giá thành cao hơn.

Cụ thể, chuối xanh có giá từ 50.000 đến 100.000 đồng/nải tùy theo số quả và hình dáng, thanh long ruột đỏ giá khoảng 50.000 đồng/kg, dưa hấu 10.000- 20.000 đồng/kg, quýt miền Nam có giá khoảng 65.000 đồng/kg, nhãn lồng có giá 30.000- 45.000 đồng/kg, giá măng cụt khoảng 30.000- 45.000 đồng/kg…

Riêng quả phật thủ do đặc thù chỉ dành cho việc cúng lễ nên tùy theo mức độ to nhỏ, kiểu dáng mà giá thành dao động ở mức cao, có những quả loại nhỏ giá chỉ khoảng 20.000- 40.000 đồng/quả, nhưng cũng có những quả loại to, “tay” đẹp thì giá có thể lên tới vài trăm cho đến cả triệu đồng/quả…

Cùng với các loại đồ cúng, ngày Rằm tháng 7, người dân đều ưa chuộng các món chay, vì thế các mặt hàng này cũng được dịp sôi động hơn. Để phục vụ nhu cầu, thị trường hiện đã có nhiều điểm bán đồ ăn chay sẵn tại các cửa hàng hay siêu thị, có công ty thực phẩm còn nhanh nhạy cung cấp cả đồ chay đông lạnh, đồ chay đóng hộp. Tuy vậy, người tiêu dùng nên tự làm các loại đồ ăn, vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm mà lại vừa tạo không khí đầm ấm cho gia đình.
 

Theo Báo Hải quan

.